TikTok mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Tương lai của nền tảng mạng xã hội TikTok có 150 triệu người Mỹ sử dụng đang không rõ ràng sau phiên điều trần của lãnh đạo TikTok tại quốc hội Mỹ.

Chú thích ảnh
Một số thành viên hạ viện Mỹ trong phiên điều trần với CEO Tiktok. Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Wall Street Journal, phiên điều trần 5 tiếng hôm 23/3 chứng kiến những chỉ trích gay gắt nhằm vào TikTok từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Quan hệ Mỹ - Trung hiện vẫn căng thẳng về nhiều vấn đề như thương mại, Đài Loan, công nghệ và cạnh tranh địa chính trị.

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đã tìm cách trấn an các nghị sĩ Mỹ rằng công ty sẽ đảm bảo các cam kết của mình, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu người dùng. 

Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Frank Pallone, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện, đã phản ứng thẳng thừng trước những cam kết của ông Chew rằng: “Tôi không tin”, trong khi Chủ tịch của Ủy ban trên, Hạ nghị sĩ Cathy McMorris Rodgers đã kêu gọi cấm ứng dụng do ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu.

Sự hoài nghi của lưỡng đảng càng làm mờ đi tương lai của nền tảng mà TikTok cho biết hiện được 150 triệu người Mỹ sử dụng.

Vài giờ trước phiên điều trần, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ “kiên quyết phản đối” yêu cầu gần đây của chính quyền Mỹ rằng các chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán cổ phần nếu không sẽ bị cấm. Các nghị sĩ Mỹ đã chỉ ra tuyên bố đó như một bằng chứng cho thấy công ty có quan hệ với chính phủ ở Bắc Kinh.

Thế khó của TikTok đã khiến công ty này trở thành tâm điểm của mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới khi họ tranh cãi về các vấn đề bao gồm chính sách thương mại, giám sát và phát triển công nghệ. Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc và Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp thực thi quy định và các chiến thuật gây áp lực khác đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Kết quả là các danh sách đen thương mại của cả hai bên đã xuất hiện tên của những công ty viễn thông có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei và ZTE, cũng như các nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và Raytheon.

Lindsay Gorman, thành viên cấp cao về các công nghệ mới nổi tại Quỹ Marshall của Đức, đồng thời là cựu cố vấn Nhà Trắng nhận định: “Cuộc đối đầu về TikTok là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của một kỷ nguyên. Thời đại mà quan hệ kinh doanh Mỹ-Trung có thể tiếp tục mà không cần cân nhắc về địa chính trị đã qua rồi”.

Sau khi kết thúc phiên điều trần, phát ngôn viên Brooke Oberwetter của TikTok nói rằng vấn đề chính trị đã chi phối phiên điều trần, phớt lờ các giải pháp mà TikTok đang thực hiện để bảo vệ dữ liệu người dùng và loại bỏ nội dung có hại cho giới trẻ khỏi trang web.

Phiên điều trần cũng đã làm sáng tỏ một phần về cách Quốc hội có thể giải quyết nhiều vấn đề với TikTok mà các nhà lập pháp đã nhấn mạnh. Một số dự luật đang được xem xét tại Quốc hội nhằm cấm hoàn toàn TikTok, điển hình là bằng cách cấm các công ty Mỹ kinh doanh với họ. 

Nhưng một lệnh cấm đối với TikTok phải đối mặt với những rào cản thực tế và pháp lý, và hai thẩm phán liên bang đã bác bỏ những nỗ lực làm như vậy trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump. Bất kỳ biện pháp cứng rắn nào cũng tiềm ẩn rủi ro chính trị, đặc biệt là đối với các đảng viên Đảng Dân chủ, những người có xu hướng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ những cử tri trẻ tuổi vốn là đối tượng lớn sử dụng TikTok.

Công Thuận/Báo Tin tức
'Cleanfluencer' làm mưa làm gió trên TikTok
'Cleanfluencer' làm mưa làm gió trên TikTok

Nhiều người nổi tiếng trên TikTok nhờ khả năng ca hát, diễn xuất hay nhờ vào ngoại hình nổi bật. Nhưng đi ngược lại so với số đông, một "ngôi sao" lại nhận sự yêu mến nhờ khả năng dọn dẹp của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN