Những niềm vui thật khác trên giảng đường đại học

Tôi bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học, điều tôi mơ ước và đã cố gắng biết bao nhiêu để có được; những bỡ ngỡ khi bước những bước đầu tiên xa gia đình đầy những điều mới mẻ đã mang đến cho tôi những trải nghiệm thú vị.

Chú thích ảnh

Ngày tốt nghiệp cấp ba, chúng tôi nước mắt ngắn, nước mắt dài và đã nghĩ, sau này khó sẽ gặp lại những khoảng thời gian đẹp đẽ, vô tư này trên giảng đường đại học, nhưng khi bắt đầu trở thành những tân sinh viên, chúng tôi mới biết ở đây sẽ lại là những niềm vui khác, kỉ niệm khác, nhiều thứ rất khác so với thời học trò, và cũng ấn ượng không kém.

Tôi bắt đầu những ngày phải xa gia đình lên thành phố đại học, tôi phải làm quen với việc đi xe bus đi học, làm quen với việc tự lo cho bản thân, không còn cảnh đi học về cất cặp sách là đã có bố mẹ nấu sẵn cơm cho ăn.

Cũng may, cuộc sống ở ký túc xá với bạn bè đông vui khiến tôi nhẹ bớt đi những nỗi tủi thân, nhung nhớ ấy, chỉ đôi khi là gạt trộm những giọt nước mắt trong những đêm đầu khó ngủ. Hay có khi là tự cười tủm tỉm một mình những khi rảnh rỗi nhớ lũ bạn thời áo trắng đến trường, hồi đó chúng tôi vẫn hay mơ về những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời sinh viên. Đó là ngày ra trường, chúng tôi sẽ xúng xính trong bộ quần áo của tân cử nhân với tấm bằng đại học và thênh thang bước vào đường đời. Đó chẳng còn là những ước mơ viển vông, bay bổng nữa, và bây giờ nó đang dần hiện ra trước mắt.

Mới ngày nào còn là giấc mơ đó, mà giờ đây tôi đã trở thành một sinh viên thực thụ. Ở môi trường Đại học này, chúng tôi bắt đầu là quen với vô vàn cách học mới. Đó là việc học theo tín chỉ, chia nhóm học và cũng không còn kiểu cả lớp ngày ngày sát cánh bên nhau qua các tiết học. Mấy đứa bạn mới quen cũng mỗi đứa đăng ký học một kiểu, chỉ thường ríu rít với nhau ngoài giờ học. Đó là những bỡ ngỡ, rụt rè những ngày đầu đi học. Lạ trường, lạ lớp, nên đứa nào cũng thường thu mình ngồi một chỗ nghe thầy cô giảng bài, chẳng dám chuyện trò cùng ai.

Chúng tôi bắt đầu chặng đường tích lũy kiến thức và rèn luyện chính mình; mục tiêu trước mắt của chúng tôi không còn đơn giản chỉ là đỗ một kỳ thi quan trọng, mà tất cả sẽ quyết định cả tương lai, cuộc đời trước mắt. Giảng đường ấy còn là nơi chúng tôi bắt đầu của những ước mơ tuổi 18, đôi mươi và cũng sẽ là nơi bắt đầu của những dự định, những ước mơ khác lớn hơn. Giảng đường cũng không chỉ là nơi để học kiến thức sách vở mà chúng tôi còn học được rất nhiều kĩ năng, nhiều bài học về cuộc sống, để rồi như được khai sáng thêm rất nhiều.

Chúng tôi cũng được hào hứng nghe các anh chị khóa trên tâm sự chuyện học hành, mới biết việc học của sinh viên không chỉ có những ngày chăm chỉ; cũng có những ngày trốn học, cũng có những ngày lên lớp và ngủ gục… Hay những ngày thi cử với những đêm ôn bài đến tận sáng mà chưa biết mệt mỏi là gì, và cả những ngày học quân sự; là những lần tham gia tình nguyện, những chuyến đi phượt với những đứa bạn thân, những đêm lân la quán xá, trà chanh, trà sữa “chém gió”… hay có cả những mối tình sinh viên đẹp đẽ nào đó. Thật quá nhiều điều để những tân sinh viên như chúng tôi háo hức trải nghiệm.

Một phần tuổi trẻ của chúng tôi sẽ gắn với giảng đường đại học; ở nơi đây sẽ cho tôi những kỉ niệm chẳng bao giờ kể hết. Và tôi thầm ước rằng, tự tôi sẽ có thể vẽ nên bức tranh về quãng đời sinh viên thật nhiều màu sắc, thật nhiều kỷ niệm đẹp; để nơi này sẽ mãi là khoảng ký ức tuyệt vời. Dù cuộc sống sau này có thể sẽ nhiều vất vả với những lo toan bộn bề, nhưng tôi tin những ai được trải qua những năm tháng sinh viên tươi đẹp với những nốt buồn vui, trầm bổng sẽ mãi cảm thấy tự hào.

 

Thu Thủy/Báo Tin tức
Vì sao sinh viên bỏ ĐH chuyển sang học trường nghề?
Vì sao sinh viên bỏ ĐH chuyển sang học trường nghề?

Nhiều sinh viên đang học đại học (ĐH) được 1 - 2 năm, thậm chí có sinh viên đã tốt nghiệp nhưng vẫn quyết định bỏ bằng ĐH để chuyển sang học nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN