Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần, với mức từ 0,5 - 1,5%. Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%, lãi vay giảm từ 1 - 1,2%. Các ngân hàng thương mại đã công bố mức giảm rất sâu. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại lên tới 14%.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tiếp cận vốn ở các ngân hàng đang ngày càng thuận lợi và lãi suất đã thấp hơn nhưng thực tế cho thấy, vẫn có nhiều doanh nghiệp không mặn mà, bởi không biết sẽ sử dụng vốn vay vào đâu cho hiệu quả.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Mây Tre đan Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cần lãi suất hạ, nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất thì chỉ hạ lãi suất thôi là chưa đủ.
“Những doanh nghiệp có khoản vay cũ thì có nhu cầu hạ lãi suất, còn doanh nghiệp sản xuất có doanh thu giảm từ 60 - 70% thì không có nhu cầu vay mới bởi không có đơn hàng”, ông Nguyễn Văn Tài nói.
Ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhôm Austdoor cũng chia sẻ: Hiện đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm khoảng 50%. Sản lượng sản xuất mặt hàng nhôm thanh định hình, cửa nhôm, cửa cuốn chỉ duy trì 60%, thậm chí có thời điểm xuống từ 30 - 40% so với bình thường.
Tại một sự kiện diễn ra gần đây, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Nguyễn Đặng Hiến cũng chỉ ra, ngân hàng thương mại giảm lãi vay là một bước hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng hiện nay quy mô sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp có xu hướng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm.
Theo ông Nguyễn Đăng Hiến, trải qua một giai đoạn doanh nghiệp trụ không nổi thì nhu cầu vốn cũng giảm đi và đây là thực tế đang diễn ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, có tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh có trả nợ được không. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp ngân hàng mời vay nhưng không có nhu cầu vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp.
Thực trạng này đã được thể hiện khá rõ khi tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng chậm, đến ngày 27/6, tín dụng tăng 4,03%. Trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay khoảng 14 - 15%.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp làm cho cung tiền chậm lại. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ đại dịch COVID-19. Nguyên nhân khiến cung tiền tăng chậm, một phần do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp. Mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thông thường hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng nhưng thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, ông Đào Minh Tú chỉ ra rằng do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm; cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Mặt khác, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa sôi động lại, vẫn vướng cả dự án thương mại lẫn nhà ở xã hội dù ngành ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh tín dụng bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vào kinh doanh bất động sản, trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 14% cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ giai đoạn trước, thể hiện hấp thụ tín dụng của nền kinh tế giảm, một phần do các đơn hàng xuất khẩu giảm vì các khó khăn kinh tế toàn cầu.
Đại diện BIDV đánh giá cao các chính sách được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. BIDV sẽ triển khai trên toàn hệ thống để các chính sách này vào thực tế nhanh nhất.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để tăng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn
Tuy nhiên, tư lệnh ngành ngân hàng cũng nhấn mạnh, nếu chỉ có sự nỗ lực từ ngành ngân hàng là chưa đủ. Do đó, Thống đốc đề nghị cần có thêm các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ, ngành khác như: giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại; khai thác thị trường trong nước; cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, phải thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
“Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý, đồng thời các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá”, Thống đốc nói.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, cần đẩy mạnh vốn đầu tư công làm vốn mồi. Doanh nghiệp có tiền thì không những tiếp cận được vốn ngân hàng mà cán bộ công nhân viên cũng sẽ tăng nhu cầu vay. Ngoài ra, một số yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng giảm như đơn hàng xuất khẩu, tín dụng bất động sản... cần được tháo gỡ. Cụ thể là đẩy mạnh các giải pháp để hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vay được thì mới có thể tiếp tục triển khai các dự án, mau chóng phục hồi.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp, xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng lên tầm quốc gia chứ không chỉ ở địa phương. Quỹ này nhằm mục đích bảo lãnh được nhiều doanh nghiệp, lúc đó ngân hàng mới mạnh tay cho vay.