Tại thời điểm 9 giờ 22 phút sáng nay (11/7), sàn HOSE có hơn 227 mã tăng giá, 56 mã giảm giá; sàn HNX có 65 mã tăng giá, 29 mã giảm giá và UPCOM có 100 mã tăng giá và 31 mã giảm giá. VN-Index tăng hơn 4 điểm, HNX-Index tăng hơn 1 điểm và UPCOM-Index tăng 0,47 điểm.
Rổ cổ phiếu VN30 có 22 mã tăng giá, 5 mã giảm giá và 3 mã đứng giá. Trong tổng số 27 mã cổ phiếu ngân hàng thời điểm này không có mã nào ở chiều giá đỏ, trong khi có tới 22 mã tăng giá. Các nhóm dịch vụ tài chính, bảo hiểm, dầu khí, hóa chất, bất động sản… đồng loạt tăng giá.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dung với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, bắt đầu từ ngày 10/7.
Giới phân tích cho rằng, thông tin này không có tác động nhiều đến thị trường chứng khoán vì ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nâng room tín dụng phần nào đó giúp giải quyết áp lực đảo nợ, nhưng cũng không phải là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Điều kiện đủ của tăng trưởng tín dụng đến từ 2 yếu tố, đó là kinh tế hồi phục và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp. Thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mặt bằng cao và đầu ra của tín dụng được cho là vẫn khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Liên quan đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình cho biết, việc huy động vốn phụ thuộc vào môi trường kinh tế và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp có đang cần vốn, có khả năng hấp thụ và sử dụng vốn hay không.
Năm 2022 và đầu năm 2023 chứng kiến khó khăn của môi trường vĩ mô của thị trường quốc tế nói chung và thị trường tài chính, chứng khoán Việt nam nói riêng. Cùng đó, nhiều yếu tố khiến cho huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn, ví dụ như mặt bằng lãi suất cao, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất cơ bản, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), tính đến ngày 15/6/2023 tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 3,36% so với đầu năm, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhận định cho năm 2023, các chuyên gia phân tích của VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 10%, thấp hơn so với mục tiêu 14-15% của Ngân hàng Nhà nước
Ngày 21/6, tại họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã thông tin về “room" tín dụng.
Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm là 11%, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 3,36%. Nghĩa là các ngân hàng còn rất nhiều dư địa cho vay. Cụ thể, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tú cho biết, thanh khoản của toàn nền kinh tế đang rất dồi dào, nhưng không thể tăng trưởng tín dụng bằng cách hạ chuẩn tín dụng, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh hay không.
Tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với đảm bảo chất lượng tín dụng và hiệu quả tín dụng, ông Tú khẳng định.
Liên quan đến câu chuyện chứng khoán Việt Nam tăng điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường đón nhận thông tin khá tích cực khi theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 6/2023, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 145 nghìn tài khoản chứng khoán. Đây là mức cao nhất trong 10 tháng trở lại đây.
Tính đến cuối tháng 6/2023, cá nhân trong nước đã mở hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương hơn 7,2% dân số có tài khoản chứng khoán.