Chốt phiên giao dịch ngày 6/6, chỉ số Nikkei-225 tăng 0,9% so với 1 ngày trước đó, lên 32.506,78 điểm, cũng là mức cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 19/7/1990, thời điểm nền kinh tế Nhật Bản đối mặt tình trạng "bong bóng tài sản". Trong khi đó, chỉ số Topix cũng tăng 0,74% lên 2.236,28 điểm - mức kỷ lục kể từ ngày 1/8/1990. Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc lĩnh vực thương mại bán buôn, khai khoáng và sắt thép.
Tỷ giá trao đổi giữa hai đồng yen và USD được niêm yết ở khoảng trên 139 yen/USD, trong bối cảnh đồng USD giảm nhẹ sau khi Viện Quản lý cung ứng Mỹ công bố dữ liệu phi sản xuất tháng 5 thấp hơn kỳ vọng của thị trường, làm dấy lên đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (Ngân hàng trung ương Mỹ - Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã giảm 0,010 điểm % so với mức gần 0,420% hôm 5/6, sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn chứng kiến sụt giảm.
Các nhà phân tích thị trường nhận định động lực thị trường được thúc đẩy bởi hy vọng rằng BOJ sẽ duy trì chính sách lãi suất cực thấp lâu hơn dự kiến, sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy tiền lương thực tế của Nhật Bản đã giảm 3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Tiền lương của Nhật Bản đã giảm liên tục trong 13 tháng. Bên cạnh đó, niềm tin với nền kinh tế Mỹ cũng được củng cố sau khi các chỉ số như dữ liệu việc làm ở nền kinh tế đầu tàu được công bố.
Nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, Koichi Fujishiro, cho biết lý do chính khiến cổ phiếu Nhật Bản được các nhà đầu tư toàn cầu săn đón là do tình hình kinh tế cải thiện tại Mỹ đã giúp giảm bớt những rủi ro.