Theo ông Lê Anh Dũng, so với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch qua Internet tháng 4/2022 tăng 48,39% về số lượng và 32,76% về giá trị; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code (mã phản hồi nhanh) tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 - 2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của COVID-19 đã khiến thanh toán số trở xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu của người dùng. Để đáp ứng nhu cầu, xu hướng đó, ngành Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm. NHNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục chủ trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng cộng nghệ và đổi mới sáng tạo; trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thiện hơn nữa hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
“Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn”, ông Lê Anh Dũng cho biết.
Tiếp nối thành công của Chương trình "Ngày không tiền mặt 2021", ngày 20/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán –NHNN và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức Họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng "Ngày không tiền mặt 2022" nhằm góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, một số hoạt động chính sẽ diễn ra trong thời gian tới như: Cuộc thi Dance Cover khởi động vào ngày 27/5; Hai phiên chợ không tiền mặt ngày 4/6 và ngày 12/6 được tổ chức tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Khu Chế xuất Tân Thuận; hội thảo Quốc gia “Ngày không tiền mặt” theo truyền thống, được tổ chức dự kiến vào ngày 16/6 tại Hà Nội với quy mô khoảng 400 khách mời từ Trung ương đến địa phương; chuyến xe Không tiền mặt, xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19/6, hành trình ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về đến Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/7.