Thanh toán không tiền mặt: Tăng trưởng mạnh nhưng chưa bền vững

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ thói quen thanh toán của người tiêu dùng, chủ yếu từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt.Tuy nhiên, để hành vi này trở thành thói quen vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Đó là thông tin tại hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt”, do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/11, trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2021.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Thay đổi tích cực, nhưng chưa bền vững

Dẫn chứng nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng triển khai vào tháng 8-9/2021 ở các quốc gia Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam, ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán Visa Việt Nam cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, thanh toán tiền mặt ngày càng giảm tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục giảm nhiều hơn nữa trong tương lai. 

Theo ông Nghĩa, người Việt ngày càng có nhiều thiện cảm đối với thanh toán không tiền mặt và đang cố gắng chuyển đổi hết các giao dịch sang hình thức thanh toán không tiền mặt. Bởi các phương thức thanh toán không tiền mặt thường nhanh, tiện lợi và quan trọng nhất là giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Nghiên cứu cho thấy, có 84% người tiêu dùng cho biết họ đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. Hơn 70% người tiêu dùng đã trải nghiệm không dùng tiền mặt và sử dụng các hình thức thanh toán số. Ngạc nhiên hơn, có hơn 20% số người quyết tâm không dùng tiền mặt có thể không dùng tiền mặt trong khoảng thời gian ít nhất một tháng.

Đại dịch COVID-19 cũng tác động tích cực đến tần suất sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Số lượng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng và sự thay đổi trong loại hình ứng dụng giao dịch yêu thích. 

Theo khảo sát gần đây của hãng tư vấn McKinsey, người dùng Việt Nam được đánh giá có mức độ chấp nhận ngân hàng số, thanh toán số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng 41 điểm và đạt 82% trong năm 2021.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thảo luận vấn đề hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực tế, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị. Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam ghi nhận con số tăng trưởng rất mạnh mẽ, khi tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Thanh toán qua Internet cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.

Ngay cả kênh phân phối bán lẻ hiện đại cũng ghi nhận sự thay đổi khá tích cực liên quan đến thói quen thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, từ tỷ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì ngay trong dịch COVID-19 con số này tăng vọt lên 40%, thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%. Đây là con số mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến phải mất 3-4 năm nữa mới đạt được.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, con số tăng trưởng trên lại không bền vững, bởi ngay cả những người đi chợ hộ còn vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán dù người nhờ đi chợ chuyển khoản cho hộ. Trong khi đó, bản thân các nhà bán lẻ cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ để bắt kịp cơ hội này. 

“Khi COVID-19 đi qua, tỷ lệ này nhanh chóng rớt về mức bình quân 10%. Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều và cũng phản ánh tiền mặt trong dân… còn rất lớn”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

Khảo sát mới đây của Saigon Co.op chỉ ra những trở ngại đang ảnh hưởng đến thói quen này của người dùng. Theo đó, có đến 28% người dùng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi, trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng. Ngoài ra, 27% người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt. Những băn khoăn này đòi hỏi vai trò của truyền thông cần phải được thúc đẩy nhiều hơn nữa. Đồng thời, cần bắt đầu từ những giá trị giao dịch nhỏ để có số lượng giao dịch lớn hơn, từ đó dần hình thành thói quen giao dịch không tiền mặt.

Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái không dùng tiền mặt

Để thay thói quen không dùng tiền mặt của người dân, truyền thông, giáo dục tài chính vẫn đang được ngành ngân hàng chú trọng với các chương trình như "Tiền khéo tiền khôn", "Tay hòm chìa khóa" và cuộc thi "Hiểu đúng về tiền"…  Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, giảm thiểu rủi ro cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó thúc đẩy và phát triển tài chính toàn diện.

Về phía các ngân hàng thương mại cũng cho biết sẽ tận dụng cú hích COVID-19 để đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái không dùng tiền mặt.

Theo Ngân hàng Nhà nước, có 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR, gần 298.000 POS…

Đặc biệt, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.

Chú thích ảnh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ...

Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thí điểm Mobile Money; tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử...

Tham dự tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ giúp tạo ra tác động kép, vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; trong đó, xác định ngân hàng là lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi trước. Thực tế thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nhất là hoạt động thanh toán đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt”. Ảnh: TTXVN phát.

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2015, đặt mục tiêu đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục bám sát cũng như phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ quyền chính đáng và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn.

“Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong số những nội dung quan trọng trong của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ tạo tiền đề giúp Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

H.Chung (TTXVN)
Hà Nội kích hoạt ‘Ngày không dùng tiền mặt 2021’
Hà Nội kích hoạt ‘Ngày không dùng tiền mặt 2021’

Sáng 5/11, Lễ kích hoạt sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN