Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu. “Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với anh, chị, em, họ hàng, bạn bè… đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của mọi người”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa bán cấp tính nữ, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương 1 cho biết, thời gian qua, Bệnh viện đã nhận tư vấn từ xa, điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu COVID-19, cụ thể là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung. Các trường hợp này không được can thiệp ngay, bệnh diễn biến thành các chứng sợ tiếp xúc, rối loạn ám ảnh..., ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
Với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân: Hãy biến điều đó thành hiện thực", Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay kêu gọi tất cả các nước và mọi người dân cùng chung tay để hiện thực hóa các sáng kiến, các ý tưởng, các kế hoạch thành hành động cụ thể thiết thực nhằm đảm bảo mọi người có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách chất lượng, hiệu quả và toàn diện.
Năm 1992 đánh dấu mốc quan trọng của sức khỏe tâm thần, đó là sự kiện Liên đoàn tâm thần học thế giới (Word Federation for Mental Health – WFMH) đại diện cho hơn 150 quốc gia lần đầu tiên đưa ra sáng kiến chọn ngày 10/10 làm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health'Day).
Kể từ đó, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health'Day) được tổ chức vào ngày 10/10 hằng năm trên toàn thế giới, với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Mỗi năm kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới đều được Liên đoàn tâm thần học thế giới đưa ra một chủ đề trọng tâm để định hướng các quốc gia trong công tác tuyên truyền, giáo dục và thay đổi hành vi liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân.