Môi không có tuyến bã nhờn như các vùng da khác trên cơ thể, rất dễ bị mất độ ẩm; vì vậy theo các bác sĩ, khi thời tiết khô hanh, cơ thể mất nước là một trong những nguyên nhân gây khô, nẻ môi. Đặc biệt thói quen liếm môi của nhiều người có thể khiến tình trạng nặng hơn, do khi liếm môi, nước bọt bay hơi, độ ẩm giảm đi, làm môi càng khô hơn so với trước, đồng thời tạo ra lớp màng bong tách ra, dễ gây chảy máu, tổn thương.
Một số tác nhân khác cũng có thể khiến môi bị khô như: Việc thở bằng miệng, ánh nắng mặt trời, kem đánh răng có thành phần chứa chất kích thích môi sodium lauryl sulfate… Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như: Thiếu hụt vitamin B12; thiếu niacin gây ra những vết nứt ở hai bên khóe miệng; nhiễm nấm; dung nạp nhiều vitamin A; bệnh đái tháo đường...
Cách giữ môi luôn mềm mại:
Các bác sĩ khuyến cáo, để môi không bị khô nẻ khi thời tiết khô hanh, có thể áp dụng những cách chăm sóc đơn giản như: Bổ sung đủ nước hàng ngày (nên uống khoảng 8 ly nước/ ngày để đảm bảo có đủ độ ẩm); bảo vệ môi khỏi tác động của môi trường bằng cách sử dụng son chống nắng; sử dụng các loại kem dưỡng môi có chứa các thành phần như bơ, vitamin E và dầu dừa cũng làm mềm da rất hiệu quả...
Bên cạnh đó, người bị khô môi có thể sử dụng máy làm ẩm với mức 30-50% trong phòng ngủ để tăng độ ẩm không khí. Đặc biệt, cần tránh những thức ăn có chất axit hoặc các chất kích thích, thực phẩm gây khó chịu như: Ớt, hoa quả chua, nước sốt…
Nếu tình trạng môi khô vẫn tồn tại lâu và không thuyên giảm với các can thiệp thông thường, thì đây có thể là dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng, người bệnh cần đi khám để điều trị kịp thời.