Bệnh nhân không phải tạm ứng tiền khi vào viện cấp cứu

Đó là khẳng định của ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội - Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh ngày 23/11.

Trước đó, trong buổi làm việc với  bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), bệnh viện này cũng khẳng định từ lâu đã không thu tạm ứng đối với bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, nhất là bệnh nhân cấp cứu, cho dù bệnh viện phải can thiệp điều trị cấp cứu bằng kỹ thuật cao có chi phí lớn. Riêng đối với bệnh nhân nội trú có chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao thì thu tạm ứng phần chênh lệch mà người bệnh phải chi trả ngoài phần bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán.

Bệnh nhân sẽ không phải đóng tạm ứng khi vào viện cấp cứu.

Ông Tăng Chí Thượng cho hay, Sở Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện không thu tạm ứng đối với bệnh nhân vào viện cấp cứu. Cũng theo ông Thượng, trong những năm gần đây, với phát triển kỹ thuật chuyên sâu, các phòng cấp cứu được trang bị những kỹ thuật cao với chi phí rất đắt tiền, chẳng hạn như kỹ thuật thông tim cấp cứu, tiêu sợi huyết trong cấp cứu đột quỵ... Nếu bệnh viện cấp cứu xong, người bệnh không có khả năng chi trả bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi hiện nay các bệnh viện đã bắt đầu tự chủ tài chính.


Riêng đối với bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú thực hiện các kỹ thuật cao, đắt tiền thì sẽ phải tạm ứng phần chênh lệch giá với bảo hiểm y tế chi trả. "Trước đây, khi các bệnh viện còn được cấp ngân sách có thể xin cấp ngân sách để bổ sung thêm, còn hiện nay tự chủ các bệnh viện sẽ gặp khó khăn", ông Thượng cho biết thêm.


"Nên có một nguồn quỹ để giúp những bệnh nhân nghèo không có tiền chi trả khi vào cấp cứu và thực hiện các kỹ thuật cao. Khi bệnh nhân được cứu sống thì các bệnh viện sẽ được chi trả từ nguồn quỹ này, còn bệnh nhân tử vong thì sẽ không được chỉ trả. Chính điều này, sẽ giúp các bệnh viện có thêm động lực, cố gắng hết sức để cấp cứu bệnh nhân", ông Thượng đề xuất.


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10/2017, có 51/55 bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thực hiện tự chủ tài chính thường xuyên, cộng với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân thì nguồn thu từ BHYT sẽ là nguồn tài chính chủ yếu của bệnh viện. Việc tự chủ tài chính này đã tiết kiệm cho ngân sách thành phố khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm.


Đ. Phương/Báo Tin tức
Ngăn ngừa nguy cơ hình thành bệnh không lây nhiễm
Ngăn ngừa nguy cơ hình thành bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài, thường là các bệnh mạn tính. Nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm được xác định có liên quan đến các yếu tố hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng, lười vận động...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN