Thông tin trên được Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch lần thứ 2 năm 2024, diễn ra từ ngày 9 - 10/8.
Theo Giáo sư Trương Quang Bình, trong cơ thể người, động mạch là những mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể. Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong thành động mạch, khiến động mạch bị xơ vữa, làm hạn chế lưu thông máu. Khi những mảng chất béo này vỡ ra sẽ hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn, thậm chí chặn dòng chảy của máu đến các cơ quan, gây nhồi máu, đột quỵ, tai biến mạch máu não... Như vậy, xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây nên các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bệnh lý này cũng đang ngày càng trở nên phổ biến. Các nghiên cứu chỉ ra, 70 - 80% nguyên nhân gây tử vong trên thế giới liên quan đến xơ vữa động mạch. Điều đáng nói, những năm gần đây số lượng người trẻ bị xơ vữa động mạch đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do liên quan đến các yếu tố nguy cơ, từ tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, đái tháo đường, ít vận động thể lực, ăn nhiều chất béo, hút thuốc lá...
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hoà, Tổng thư ký Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam cũng chia sẻ, hiện nay 20% người dân trên thế giới có nồng độ Lipoprotein tăng cao - một yếu tố nguy cơ quan trọng trong xơ vữa động mạch. Do đó, việc tầm soát Lipoprotein để dự đoán sớm các nguy cơ bệnh lý tim mạch là rất cần thiết. Để phòng xơ vữa động mạch, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ chiên rán, đồ ăn nhanh giàu muối, đường, đồ ăn nhiều cholesterol... Thường xuyên tập thể dục, giữ cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, kiểm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và các bệnh mạn tính khác. Người dân cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát Lipoprotein để kịp thời phát hiện nguy cơ xơ vữa.
Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 tập trung vào các chủ đề nóng như: Tác động của biến đổi khí hậu đối với tình trạng xơ vữa động mạch; Rối loạn lipid máu và di truyền học trong xơ vữa động mạch, Các yếu tố nguy cơ tim mạch trong các bệnh lý đồng mắc như béo phì, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp. Hội nghị gồm 25 phiên, 80 bài báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành chia sẻ những nghiên cứu mới trong phương pháp điều trị tiên tiến trong lĩnh vực xơ vữa động mạch. Đây không chỉ là dịp để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, học hỏi lẫn nhau mà còn mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực xơ vữa động mạch.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhìn nhận, hội nghị đánh dấu sự thành công của Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời đặt nền móng cho những bước tiến mới cho phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp trong kỷ nguyên hiện đại. Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam kỳ vọng, trong thời gian tới Phân hội sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các bác sĩ Việt Nam, hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe tim mạch cho cộng đồng.