Vết sẹo

Mãi đến bây giờ, cánh tay tôi vẫn còn một vết sẹo. Vết sẹo ấy gắn liền cùng bài học đầu tiên cuộc đời dạy tôi về xử thế, đối nhân.

Một ông già hành khất ốm yếu, bẩn thỉu - và có lẽ mù lòa. (Tôi không dám chắc ông có mù thật không, tôi thấy mắt ông cứ nhướng nhướng, trắng đục, ông không nhìn về hướng nào mà cứ nhìn về phía trước, ánh mắt vô hồn nên tôi nói có lẽ). Ông già ngồi bệt trên nền đất bên cổng chợ; con khỉ chồm chỗm trên vai. Nó đeo chiếc vòng cổ làm bằng da. Móc vòng buộc sợi xích sắt. Đầu xích quàng vào cổ tay ông lão. Như vậy, ông có thể giữ nó; còn nó, nó có thể dắt ông đi. Hai kiếp người - khỉ gắn liền nhau bằng sợi xích; trông thật kì khôi và cũng thật bi hài!

Sáng nào, con khỉ cũng lon ton dắt ông lão ra cổng chợ. Ông lão ngồi bệt xuống đất, chiếc thau nhôm móp méo trước mặt, lải nhải van xin bằng giọng rên xiết của người cùng đường đất. Còn con khỉ? Thấy có người đi ngang, nó “hỗ trợ” ông lão bằng cách khọt khẹt, chìa tay, chân xìa ra, hất vào chiếc thau nhôm. Cái bộ điệu láu lỉnh, dễ thương khiến nhiều hôm nó xin được nhiều hơn cả ông. Ai cho thì nó gật gật đầu cảm ơn, đưa gì nó cũng cầm, có điều nó chỉ ăn những thức mà loài khỉ có thể ăn ngay. Còn lại, nó đều ném vào thau cho ông lão. Món khoái khẩu của chú chàng là chuối và… kẹo. Được cho kẹo, nó sung sướng cười nhăn nhở, lột giấy từng viên, cho tất vào miệng; chiếc túi bên má thòng ra, lổn nhổn những viên kẹo bên trong trông thật tức cười!

… Hôm ấy là một ngày mùa đông. Mưa và lạnh. Mùi tanh bẩn ở chợ bốc lên, những cọng rác bay lả tả. Người đi chợ thưa thớt, vội vã; chẳng ai thèm quan tâm đến ông lão cùng con khỉ rét run đang thu lu nép mái nhà lồng. Đã non trưa mà chiếc thau nhôm trống trơn, chẳng xin được gì. Chợ vãn, chỉ còn ông già và con khỉ. Vây quanh người hành khất và con khỉ tội nghiệp ấy là chúng tôi - mấy đứa rỗi nghề. Một thằng đầu têu bỗng nảy ra “sáng kiến”. 

Nó gọi chúng tôi chụm đầu bàn bạc, đứa nào cũng cười hi hí ra vẻ khoái chí lắm. Tất cả tản đi. Mười lăm phút sau, chúng tôi tập trung trở lại; tay đứa nào cũng cầm nào chuối, nào kẹo, dứ dứ vào mũi khỉ. Đã chẳng ăn gì từ sáng, con khỉ đói mềm thấy chuối, thấy kẹo vụt sáng mắt, hớn hở chìa tay. Cầm quả chuối, nó khọt khẹt, đôi mắt nhìn chúng tôi rất chi là biết ơn, rồi nó gật đầu lia lịa như để cảm tạ rồi cuống cuồng lột vỏ…. Lạ chưa! Nó thuỗng mặt ngơ ngác. Lớp vỏ bóc, bên trong thòi ra toàn… đất sét! Vứt bạch quả “chuối đất”, khỉ chìa tay nhận kẹo. Lại càng tệ hại. Bên trong những tờ giấy bóng xanh đỏ là đất, là đá, là gạch…. Tiếng cười nổi lên hô hố. Con khỉ tội nghiệp mắt đỏ ngầu, khọt khẹt thảm thương như muốn khóc. Làm khán giả, cười chưa “đã”; đến lượt tôi, mặc kệ gương mặt bi thiết của con khỉ, tôi hào hứng chen vô, chìa ra nắm “kẹo”; và…

Giờ thì các bạn đã đoán ra vì sao tôi có cái vết sẹo “nhớ đời” rồi chứ? Vâng, chính là con khỉ ấy. Cái con khỉ tội nghiệp bị chúng tôi dối lừa tai ác ấy. Vẻ hiền lành của nó đột ngột biến mất. Nó chồm lên, dữ dằn, mắt vằn tia máu - đôi mắt tôi chỉ nhìn thấy ở ba tôi mỗi khi tôi phạm lỗi tày đình. Bọn bạn kịp bỏ chạy. Còn tôi, con khỉ gầm gừ, bấu vào tay tôi mà cắn xé, nhất định không buông…

Chuyện qua lâu rồi. Giờ đây, tóc tôi đã bắt đầu có sợi bạc; nhưng kí ức về người ăn xin và con khỉ nhỏ hãy còn mới tựa hôm qua. Bài học đầu tiên, tôi đã trả giá bằng một vết sẹo trên tay. Nhưng tôi không hề hối tiếc. Hơn thế, vết sẹo ấy tôi luôn giữ gìn, nâng niu giữa chìm nổi cuộc đời như một vị ân nhân. “Vị ân nhân” ấy đã khai mở cái phần lương tri còn thiếu trong đứa trẻ năm xưa; và đang cảnh tỉnh cho con người hôm nay trước nguy cơ những vết sẹo tâm hồn…

Nguyễn Thị Bích Nhàn
Ký sự sông Bùng
Ký sự sông Bùng

Sông Bùng bắt nguồn từ xã Minh Thành ( Nghệ An); rồi lần xuôi theo hướng đông; đi quanh co, quanh co khó nhọc giữa vùng chiêm trũng của đồng đất Đông Yên nhị huyện xưa (Yên Thành và Diễn Châu nay)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN