Ký sự sông Bùng

Sông Bùng bắt nguồn từ xã Minh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An); rồi lần xuôi theo hướng đông; đi quanh co, quanh co khó nhọc giữa vùng chiêm trũng của đồng đất Đông Yên nhị huyện xưa (Yên Thành và Diễn Châu nay); đến khi gần gặp biển lại vấp phải dải gò sò Long Cương, bị đánh bật vòng lên Tây Bắc, vận hết công sức, sông bẻ một vòng cung xuống phía đông rồi ào lao ra biển theo hướng đông nam.

*

Quái lạ; cái con sông mà cụ Trần Hữu Thung thủ chỉ làng thơ xứ Nghệ, có lần phát cáu lên với cái sự lòng vòng của nó; cụ bảo đứng trên núi nhìn ra, dòng sông như một sợi chỉ rối cứ muốn nắm mà giằng một phát cho nó thẳng đứ đừ ra; nhưng mà cũng theo cụ; sông nó phải cong thế mới thích, thế mới là sông... quê choa.

Sông Bùng mùa lúa chín. Ảnh: Trọng Bằng


Nói trộm vía, trong mơ tôi toàn thấy sông Bùng, đúng hơn là thấy đến quá mấy lần; mà sao trong mơ sông trong xanh, văn vắt đến lạ, nước to cuồn cuộn chảy, mà sao mình không trôi, lạ; có lẽ kiếp trước mình là lính thủy quân lục chiến cũng nên, ngang dọc trên sông Bùng, và cùng biết đâu có một mối tình thơ mộng trên sông. “Oan gia trái chủ” hay sao ấy mà khi nghe bài hát “Chảy đi sông ơi” của Phó Đức Phương là mình cứ muốn ứa nước mắt; Chảy đi sông ơi/Chảy đi sông ơi...” sao lại “chảy đi sông ơi” thế là sông không còn chảy được hả? nghe mà xót cả lòng. Các cụ bảo rằng: ngày xưa hai huyện Yên Thành và Diễn Châu là một huyện, huyện Đông Thành, cuối thế kỷ thứ 19 mới tách làm 2; phần ngon, dân Diễn Châu hưởng cả (biển, cửa sông, đường thiên lý, đường sắt Pháp làm) còn huyện Yên Thành chỉ còn cánh đồng lụt với rừng, với món đất “thịt” trơn như mỡ...

Nói lan man ấy, rồi phải quay lại vấn đề:bây giờ ta làm một cuộc khảo cứu về đời sông cho nó đúng trọng tâm; họ và tên sông Bùng, tên chữ hán Bùng Giang, tên cảnh quan: phùng giang thu nguyệt,(trăng thu trên sông Bùng), một bút danh khác nữa “bích hải quy phàm” “Buồm về biển bích” nghĩa là trong tám cảnh đẹp Đông Thành hồi ấy sông Bùng chiếm mất hai rồi; tuổi; có lẽ mấy vạn năm rồi, đặc điểm cơ thể dòng chảy, chỉ cái tội uốn quanh co. Bùng Giang khai sinh ở Minh Thành, hội với nguồn Lý Thành, Liên Thành, mà theo cụ Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký thì có đến hai ba nguồn đổ vào, mà sao tôi cứ thấy như toàn bộ sông ngòi Yên Thành cứ xuôi dần theo hướng Đông Nam rồi đổ cả về dòng này. Đi đến Liên Thành thì sông bắt đầu rực lên bởi sự hội lưu và ôm lấy những vùng đất nổi tiếng như Liên Trì và Mậu Long: “Nam mô Liên Trì hải hội Phật bồ tát”còn “Mậu long” là mẹ Rồng; con rồng cạnh ao sen, chà nhìn cái đình Liên Trì và mấy gốc gạo xung quanh, rồi ra nhìn bàu Chèm và thăm thẳm dòng nước phía sau thì mới thấy hết sự hưng thịnh của đất này.

Qua Liên Thành, đến Khánh Thành, sông trũng xuống một đoạn, đẹp và lững lờ, lại cong, cong cho thiên hạ biết tay, đây là quê cụ Thám Hoa Phan Thúc Trực; cụ Thám tài hoa đến mức nhìn nhà cháy mà ngỡ là đám rước vinh quy: “Phụng thờ tiên tổ bấy nhiêu đông/Một phút làm nên rạng tổ tông/ Trống đánh vang lừng miền ấp Lý/ Tàn bay xấp xới cõi trời đông...” Nhưng thương nhất là những câu cụ khóc vợ; chà; con người lận đận đến mười lần thi cử mới đậu đạt nguyện vọng, mất vợ rồi cụ cũng mất sớm; sao cứ nhớ đến cụ là đám kẻ sĩ lỡ vận như bọn con sau này thương kính lạ; linh phí khúc sông này hun đúc nên khí phách cụ; đến mức khi người mất Vua cũng phải thương cảm đến nao lòng...

Rời Khánh Thành, hội nguồn từ Công Thành và từ Và Động dội xuống, sông thúc mạnh vào đồi Thịnh Đức. Cái đồi này ngày xưa có cái đồn của Pháp đóng trên đó, đồi như nghiêng hẳn đi, dòng sông đấm tiếp vào quả đồi Bảo Nham nơi người Pháp tinh ý đã dựng một ngôi nhà thờ đá huyền thoại, xây dựng cuối thế kỷ 19 vắt sang thế kỷ 20, nghe đâu mãi 16 năm mới xong, đá lấy từ Thanh Hóa ngược sông Bùng chở về, ngôi nhà thờ kỳ vĩ này gắn với tên tuổi vị linh mục kiêm kiếm trúc sư người Pháp nổi tiếng Đôn-Phơn-Cơ-Lin! Chảy đến đoạn này, lèn Bảo Nham lại nhô ra làm bạn; sông hội ý một chút rồi uốn cong lao về hướng Bắc, thì kìa lèn rú đất như một tấm bình phong chặn lại; nước sông chồm lên bẻ ngoặt hướng Đông, ào ào về phía Long Thành, lại hội nguồn tiếp với các nhánh sông từ phía bắc đổ về sông bắt đầu rộng ra; và quãng năm 64, 65 thế kỷ trước; sau chiến thắng Biên Hòa, người ta nắn luôn dòng sông này từ Long Thành đến gần Diễn Nguyên thẳng băng như một cái thước kẻ, đẹp đến đau lòng. Trời ạ! Dòng thì chảy mạnh nhưng long mạch trên sông thì bị vỡ sạch, chịu nặng nhất là Phú Văn, rồi liên đới sang cả Yên Mội, Trung Xá, Phú Điền; chợ Điển sau một thời vang bóng cũng tàn, cảnh trên dưới thuyền tấp nập một thời sau chiến tranh cũng vắng vẻ. Nói bỏ quá cho, trong mơ tôi toàn thấy cái đoạn này; hình như lòng sông cũng đau quá, biến sông thành kênh, xóa tên trên bản đồ, đến nỗi sau này viết sử, có người ở cạnh sông mà còn cãi, “đây là kênh”...

Tạm biệt Vĩnh Thành, Nhân Thành, Long Thành (Yên Thành), sông tiến sát về Diễn Minh, Diễn Nguyên, Diễn Bình (Diễn Châu); đoạn giáp giới Diễn Bình, Diễn Nguyên lại một vòng cong tuyệt đẹp; trên núi Hai Vai, dưới sông Bùng; ở giữa đền Lùm, bên kia đền Đệ Nhất, ngược lên đền Cả (Nhân Thành), gần đó chùa Cổ Am, núi Động Thờ... Đất Vân Tập Diễn Bình, quê của cố giáo sư Nguyễn Trung Hiếu lướt đi giữa bờ xôi ruộng mật; sông ào về Diễn Quảng định hợp lưu với dòng phụ lưu lớn nhất từ đập Xuân Dương về, qua Nho Lâm và về Diễn Cát, sông này cũng cong và đẹp khi qua cầu Đạu dịu hàng hợp lưu với sông Bùng nhưng phải đoạn cuối dưới cầu Diễn Quảng nơi mọc lên mấy cây sung trĩu quả hai bên cầu ngơ ngác nhìn sông đi qua, đoạn này gắn với tên tuổi “Tú Xương” thời hiện đại, nhà thi sĩ tài hoa Phan Tường Hy: “Cái tặc lưỡi sắc như dao/ Con vào đại học trâu vào sợ Si/ Hai lần năm thì được mười/ Hai lần vợ chỉ rã rời một thân”; tiếp đó sông xuôi về cầu Đò Đao, kết nối với kênh nhà Lê; Cầu Đò Đao di tích lịch sử đau đớn trong kháng chiến chống Mỹ, cây cầu này, lòng sông đoạn này bị máy bay Mỹ bắn cho nát ruột; Đò Đao, con đò chở kiếm pháp; xanh mãi nỗi đau trong đời khói lửa chiến tranh; Nhưng dòng sông đi đến hạ nguồn này mới có nhiều chuyện lạ; Mà lạ nhất cũng là cái chuyện chạy vòng vèo; Bắt đầu sông ôm lấy đất Diễn Hoa; Cái vùng đất địa linh nhân kiệt, quê Nguyễn Trọng Tạo đây, rồi uốn về phía thị trấn Diễn Châu, đất Diễn Thành tạo thành vòng cung tuyệt đẹp: Mai các sông; Tạm gọi như vậy; Trước đi đến đoạn này tôi cứ ngỡ ngàng, khúc cong đẹp quá, làm duyên, làm dáng đến ấn tượng; Gần đó có đền sò và một ngôi chùa lớn, nay đã mất rồi; ngoảnh ra sông bây giờ là đền thờ liệt sĩ huyện Diễn Châu; Chỉ còn vài cây nữa là sông lao ra biển; ấy vậy mà nền đá cứng chặn lại; bẻ cong ngược lên Diễn Kỷ, trước nhà thờ họ Ngô Trí nổi tiếng rồi lao xuống, lại bị bẻ cong ra miệng sông phun thẳng ra phía Đông nam chỗ gần khách sạn Cao tộc đại tôn hồi nào; Và sát với bãi tắm Diễn Thành đang ngày đêm nhộn nhịp.

Thực ra sông Bùng còn một nguồn phụ nữa rất quan trọng là kênh Vếch Bắc, đổ ra gần cửa sông. 52 km của chiều dài, trong khi đi thẳng nó chỉ dài hơn một nửa; đời sông quanh quẩn như người dân 2 huyện Yên Thành, Diễn Châu. Mà đã hết đâu, sông còn bị đau đến mấy lần, vì bị người đời giải phẫu.

Lần thứ nhất: nắn dòng sông như trên đã nói, các đoạn cong nắn thẳng, ngoài dòng chính chạy qua cầu Bùng, đoạn cuối này bị hai cống phụ nữa, đóng mở để ngăn mặn, có thêm diện tích trồng lúa, hết phèn,chua nhưng dòng chính chảy uể oải; bèo Nhật Bản mọc đầy; từ sông có thủy triều lên xuống, có mặn, có lạt, có lợ thành sông nước ngọt, các làng nghề bên sông có tiếng như nghề dệt chiếu, làm cói, nghề đan lát các làng ven sông biến mất; có cảm giác sông bị tù đọng và đầm lầy hóa dần theo thời gian.

Lần thứ hai ô nhiễm thuốc BVTV theo đồng ruộng trôi xuống dòng sông, cùng với một nhà máy chế biến sắn phía thượng nguồn làm sông bị ô nhiễm, nguồn hải sản kiệt dần.

Cạn dòng và kiệt nguồn tôm cá, biến đổi nghề nghiệp, tập quán, văn hóa, phong tục hai bên sông đó là điều dễ nhận thấy.

Có người nói; ông đừng bảo thủ, không nắn dòng, không cải tạo thì sao hai huyện no ấm như ngày nay. Nói thật no thì no ấm thật, nhưng sao cứ thấy se lòng khi thấy lưu vực, diện mạo sông cứ thay đổi theo hướng bất lợi. Nghe nói có đề án cải tạo sông rồi; cải tạo lòng sông, nước sông nhưng cũng cần chú ý tải tạo, nâng cấp tâm linh, tư tưởng văn hóa 2 bên sông; bởi nếu sau này khi đền chùa miếu mạo hai bên sông mọc lên trở lại; du lịch tâm linh phát triển thì sông cũng góp phần hái ra bạc; đi thuyền trên sông hãy cứ nghĩ một khách sạn nào đó ở bãi biển, theo thuyền ngược sông lên Yên Thành làm một tua du lịch ngắn; sau đó lại xuống thuyền về khách sạn, hay đêm thả thuyền trên sông Bùng: “Bùng Giang thu nguyệt” nghe hát dân ca...

Đời sông cũng như đời người; dòng nước và số phận con người gắn bó với nhau. Sông trong xanh, phong phú trở lại thì đời dân hai bên cũng ấm no hơn nhiều; dòng nước và dòng chảy của bao thế hệ luôn nương tựa vào cùng nhau, tồn tại trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Ơi! “Sông Bùng... Chảy đi sông ơi...!
Trần Ngọc Khánh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN