Ở chợ Tròn, thị trấn Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang có một sạp hàng mỹ phẩm, do chị Trần Ngọc Hòa (ảnh) làm chủ. Vừa kinh doanh nhỏ, chị vừa viết những vần thơ thấm đẫm tình người, đầy trăn trở về chiến tranh và thân phận tình yêu.
Vắng khách thì... làm thơ
Sáng sáng, từ lúc 5 giờ, chị Trần Ngọc Hòa lịch kịch dậy chuẩn bị ra sạp mỹ phẩm và thời trang ngoài chợ Tròn để buôn bán, kinh doanh. Hầu hết các khoản chi phí, sinh hoạt của gia đình chị đều trông chờ vào sạp hàng này. Quầy hàng lúc vắng, lúc đông, và nó là “nồi cơm” của gia đình chị. Hễ khi nào vắng khách, chị lại cầm chiếc điện thoại tranh thủ… sáng tác thơ. Thậm chí nhiều khi mới dọn hàng xong, mồ hôi ướt đầm áo, nằm xuống võng nghỉ ngơi cho khô mồ hôi, chị cũng tranh thủ… móc điện thoại ra làm thơ.
Chị Trần Ngọc Hòa kể, chị sinh ra trên đất Bắc, năm chị 9 tuổi (1976) gia đình chị chuyển về quê cha (Kiên Giang) sinh sống. Khi còn trẻ, chị có tham gia công tác trong cơ quan nhà nước, đã từng tham gia các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng ở tỉnh Kiên Giang và đã giành được nhiều giải thưởng. Đến năm 1990, do điều kiện gia đình, chị nghỉ làm để kinh doanh. Khoảng những năm 2007-2008, chị Hòa bắt đầu làm thơ. Nhưng vì phải bán hàng, không tiện cầm giấy bút, nên mỗi khi vắng khách, chị thường ôm chiếc điện thoại để sáng tác.
Chị Trần Ngọc Hòa chia sẻ, chị thấy mình vô cùng may mắn, vì được lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình. Nhưng chị luôn trăn trở với những nỗi đau mất mát trong chiến tranh, nhất là nỗi đau của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, trẻ thơ mất bố. Chị đau lòng khi thấy những nấm mồ không tên, những liệt sĩ còn nằm lại đâu đó nơi con kênh, dòng suối, hang đá hay lung tràm mà chưa được về nhà… tất cả những trăn trở ấy đã lặng lẽ đi sâu vào trong cảm xúc của chị, trào dâng trong từng bài thơ chị viết. Chính vì vậy, mỗi một bài thơ, một câu thơ chị viết ra đều xuất phát từ trong tâm khảm của chị. “Tôi làm thơ xuất phát từ cái tâm, với mong muốn viết chút gì đó có ích cho đời, chứ không phải vì muốn được nổi tiếng. Chính vì vậy mà mỗi khi định sáng tác một bài thơ, việc đầu tiên là tôi nghĩ đến mọi người, nghĩ đến sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu để có được sự bình yên của Tổ quốc ngày hôm nay”, chị Trần Ngọc Hòa tâm sự.
Những vần thơ giàu cảm xúc
Những bài thơ của chị Hòa, dù được sáng tác tranh thủ giữa bộn bề hàng hóa, giữa ồn ào phố chợ, nhưng vẫn khiến người đọc phải giật mình, thảng thốt. Viết về tình yêu, thơ chị đầy ắp sự lãng mạn: “Anh có theo về với em không/Về vớt trăng mùa con nước nổi/ Vớt tiếng cười chân quê đồng nội/ Thả vào thơ…”.
Khi viết về chiến tranh, thơ chị lại chất chứa nỗi niềm của người mẹ, người vợ, người đồng chí, đồng đội… “Mẹ trải chiếc khăn rằn/ Thằng Ba nằm né qua con, chỗ anh Hai bay về nằm nghỉ/ Bốn đứa đoàn tụ đủ đầy nơi nghĩa trang liệt sĩ/ Còn thằng Hai, sao chưa về với mẹ hả con?...”. Hay những câu thơ viết về nỗi nhớ đồng đội của người lính già: “Người đàn ông/ Nỗi nhớ rụa ràn/ Dép xếp gối đầu áo mưa làm chiếu ngủ/ Đêm thành cổ đồng đội về đông đủ/ Câu chuyện chiến trường rôm rả râm ran...”.
Chị Hòa cho biết: “Vừa bán hàng, vừa làm thơ, thời gian có hạn, nhưng mỗi khi có ý định viết, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là bài thơ của mình phải có ý nghĩa nhất định cho xã hội, cho con người. Và tôi cũng hy vọng, biết đâu đó, những người trong cuộc, khi đọc được những bài thơ tôi viết, có thể họ sẽ cảm thấy được an ủi phần nào”. Có lẽ vì vậy, mà mỗi bài thơ của chị đều viết về một câu chuyện hay một nhân vật đều để lại ấn tượng sâu sắc với chị.
Với “Chiếc cầu mơ ước”, chị viết về nỗi lòng người mẹ, người vợ liệt sỹ luôn nhớ về người chồng đã hy sinh của mình: “…Từ bên này sông/ Nghe hung tin cha thằng Tý đã không còn/ Tóc khóc chồng chen nhau từng sợi bac/ Gió nấc đau trong vũng tràm xơ xác/ Trời buồn thương thả đám mây ui…”. Để thêm sự lãng mạn như một gia vị cần có cho cuộc sống đáng yêu hơn, chị đã viết “Giấu vào anh”: “Em giấu một nỗi nhớ rất non/ Vào trong búp lá/ Nũng nịu và ăn vạ/ Đòi phải xanh nhiều/ Em giấu cái thì mới nhú rất kiêu/ Trong áo mỏng rồi ửng hồng đôi má/ Một chút gì nghe rất lạ/ Nao nao…”. Bài thơ “Quyển nhật ký chiến trường” và “Chị tôi, người đi tìm tên và gia đình cho liệt sỹ”, chị viết tặng Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, không quản ngại khó khăn, gian khổ, trở lại chiến trường đi tìm đồng đội, tìm mộ liệt sỹ: ...“Chị đưa được anh về thì tóc mẹ đã bông lau/ Hốc mắt hoắm sâu giọt thương con đẫm lá cờ Tổ quốc/ Con trai mẹ trở về bằng thanh xương gầy guộc/ Hồn đã hòa trong non nước rạng ngời.
... Kìa !/ Như hương khói biết thầm thì/ Những ngôi sao vô danh đang đi vào giấc mơ của chị./ Và kìa!/ Những linh hồn liệt sĩ/ Đang xúc động sụt sùi/ khi được chị tìm về đầy đủ họ và tên”.
Cả ngày ở chợ, không có thời gian xem tivi, không có thời gian đọc sách báo, tư liệu không nhiều, nhưng chị vẫn cho ra đời những bài thơ thấm đẫm tình người, tình dân tộc, tình quê hương đất nước. Nhiều bài thơ của chị được bạn đọc yêu thích, và đạt giải thưởng cao. Năm 2014, chị Hòa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của tỉnh Kiên Giang với bài thơ “Chiếc cầu mơ ước”. Năm 2015, chị lại đoạt giải Nhất với bài thơ “Trăng tình”. Mới đây, chị Trần Thị Hòa đã đoạt giải Nhất cuộc thi viết bài ca vọng cổ, những bài ca vọng cổ được chị chuyển thể từ những bài thơ của chị, đó là bài “Người đàn bà đi tìm đồng đội”, “Khúc ru tháng tư” và “Vắt cơm đỏ”, là những bài thơ mà chị rất tâm đắc.
Chị Trần Ngọc Hòa chia sẻ, chị viết được những bài thơ giàu cảm xúc đó, là nhờ công rất lớn của ông xã chị, anh Lê Nam Thắng. Anh Thắng nguyên là phóng viên chiến trường, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Là người trực tiếp trải qua giai đoạn chiến tranh gian khổ, khốc liệt, nên anh đã kể cho chị rất nhiều câu chuyện, có câu chuyện về đồng đội, đồng nghiệp của anh, cũng có những câu chuyện là anh tận mắt chứng kiến, rồi qua bạn bè anh kể lại… Những câu chuyện đó chính là nguồn cảm xúc giúp chị Hòa viết được những bài thơ hay. Bởi chị cho rằng, một tác phẩm hay, phải là một tác phẩm có ý nghĩa cho cuộc sống, cho quê hương và cho đất nước Việt Nam.