Vừa mới rút quân, Nga lại tính điều tàu chiến hạt nhân tới Syria

Theo kế hoạch nâng cấp cơ sở quân sự và được sự đồng ý của Syria, căn cứ hải quân Tartus sẽ là nơi tập trung 11 tàu chiến Nga, trong đó có tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) gặp người đồng cấp Syria Assad (trái) khi đến thăm căn cứ Khmeimim. Ảnh: Sputnik

Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu triển khai dự án nâng cấp các căn cứ tại Tartus và Khmeimim ở Syria thành trung tâm quân sự thường trực. Dự án được tiến hành sau khi Damascus cho phép lực lượng Nga hiện diện tại quốc gia Trung Đông này thêm gần nửa thế kỷ.

Căn cứ Tartus và Khmeimim là hai trong số nhiều cơ sở quân sự của Nga xây dựng tại nước ngoài. Đầu năm nay, Nga và Syria đã đạt thỏa thuận về sự hiện diện của binh lính Nga ở Syria.

Căn cứ không quân Khmeimim ở gần Latakia và căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus đều đã được nhất trí chuyển giao cho Nga thêm 49 năm sử dụng miễn phí. Ngoài ra, Syria còn cho phép quân đội Nga có thể kéo dài sự hiện diện nếu như không có nước nào xóa bỏ thỏa thuận. Quốc hội Nga đã thông qua thỏa thuận Khmeimim vào tháng 7 và căn cứ Tartus vào ngày 26/12.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu ngày 26/12 cho biết chi tiết việc triển khai và nâng cấp các căn cứ quân sự đã được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt trong tuần trước.

Kể từ khi chiến dịch chống khủng bố tại Syria của Nga bắt đầu từ năm 2015, máy bay Nga đã nhiều lần xuất kích từ căn cứ Khmeimim hỗ trợ tấn công các mục tiêu khủng bố.

Trong khi đó, căn cứ hải quân Tartus mặc dù đi vào hoạt động từ những năm 1970 nhưng cơ sở này khá bé, chỉ chứa được các tàu Nga thời Xô Viết và không phù hợp để làm nơi đỗ hoặc sửa chữa các tàu lớn.

Với kế hoạch nâng cấp cơ sở quân sự, căn cứ hải quân Tartus sắp tới có khả năng chứa được 11 tàu chiến Nga, trong đó bao gồm tàu chiến được trang bị năng lượng hạt nhân. Hiện tại, Nga mới chỉ có duy nhất một tàu chiến mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân – tàu tuần dương chiến đấu Pyotr Velikiy với trọng tải 24.000 tấn. Để hiện thực hóa tham vọng của hải quân Nga ở cảng Tartus, Nga sẽ cần ngân sách lớn cùng nhiều thời gian.

“Nhân lực và thiết bị sẽ sớm được triển khai, không có vấn đề gì. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ diễn ra chỉ chưa tới một năm”, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga Frantz Klintsevich khẳng định.

Đầu tháng 12, Tổng thống Putin đã ra lệnh rút một phần binh sĩ Nga rời khỏi Syria, nhấn mạnh kết quả đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đồng nghĩa với việc Syria sẽ cần ít lực lượng quân đội Nga hỗ trợ hơn.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Cảnh báo rợn người: IS đang vận hành hãng du lịch tại châu Âu
Cảnh báo rợn người: IS đang vận hành hãng du lịch tại châu Âu

Một chuyên gia về khủng bố cảnh báo rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang vận hành một số hãng du lịch tại châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN