Công ty vệ tinh do thám Israel ImageSat International vừa công bố loạt ảnh vệ tinh được cho là ghi lại hình ảnh triển khai hệ thống S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty nhận định các hệ thống S-400 được kích hoạt chế độ hoạt động ở thủ đô Ankara.
Theo đài Sputnik, vệ tinh của ImageSat đã chụp được những bức ảnh xác định hệ thống S-400 triển khai ở căn cứ không quân Akinchi, gần thủ đô Ankara. Theo đó, radar phòng không đã bắt đầu hoạt động, song phần đầu đạn của hệ thống vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu, các tên lửa chưa được đưa vào bệ phóng.
Tuy nhiên, báo cáo của ImageSat kết luận không ngoại trừ khả năng nơi đây sẽ trở thành điểm triển khai cố định của hệ thống tên lửa phòng không S-400. Dữ liệu mà vệ tinh Israel chụp được mâu thuẫn với tuyên bố trước đó rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai các hệ thống phòng không này để kiểm soát miền Bắc Cộng hòa Síp. Trong trường hợp này, hệ thống S-400 sẽ phải được đặt ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trên bờ Địa Trung Hải.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/9, Thứ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir tiết lộ thời điểm đi vào hoạt động chính thức của S-400 tại Ankara sẽ vào tháng 6/2020.
“Thổ Nhĩ Kỳ không còn là khách hàng nữa mà trở thành một đối tác… Chúng tôi không muốn đơn thuần chỉ mua vũ khí Nga, chúng tôi muốn tham gia sản xuất”, vị quan chức nhấn mạnh.
Trước đó, vào 27/8, giai đoạn chuyển giao lô hàng S-400 thứ hai đã bắt đầu tiến hành. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lưu ý công việc này sẽ tiếp tục thực hiện cho đến hết tháng 9.
Hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga với 30 chuyến bay đặc biệt.
Động thái này đã bị chịu nhiều sức ép từ phía Wahington. Mỹ và các nước thành viên khác NATO luôn lo ngại nếu trong tay Ankara có cả S-400 và chiến đấu cơ F-35 thế hệ 5 của Mỹ, thì các hệ thống radar của Nga sẽ mau chóng học được cách tính toán và theo dõi những máy bay này.
Để loại bỏ nguy cơ trên, Mỹ thông báo loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển F-35. Ankara gọi bước đi này là sai lầm vì nó sẽ gây nguy hại cho mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO.