Vai trò của vũ khí trong chính sách đối nội, đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ

Xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ là một nền tảng để tăng cường các mối quan hệ chính trị và kinh tế, đồng thời là công cụ được chính phủ nước này sử dụng để vận động sự ủng hộ của cử tri. 

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong cuộc diễu binh kỷ niệm ở Kiev, Ukraine tháng 8/2021. Ảnh: AP

Theo bình luận của chuyên gia phân tích Aleksandra Maria Spancerska trên trang web của Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) mới đây, sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí giúp Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng tiến hành các hoạt động quân sự độc lập chống lại các chiến binh người Kurd ở miền Bắc Iraq và Syria, đồng thời không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp thiết bị từ nước ngoài.

Chuyên gia Spancerska cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng nhằm phục vụ cho sự độc lập trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và công nghệ, cũng như tăng cường xuất khẩu và nâng cao uy tín của họ trên trường quốc tế.

Theo chiến lược được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ do đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng Tayyip Erdogan thông qua, lĩnh vực này sẽ trở nên độc lập hoàn toàn vào năm 2053, đồng thời năng lực xuất khẩu của ngành sẽ tăng lên 50 tỷ USD và ít nhất, 10 công ty vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong 100 công ty lớn nhất trên thế giới. Bộ trưởng Công nghệ Mustafa Varanak tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một "trung tâm toàn cầu" về công nghiệp, công nghệ và quốc phòng.

Để thực hiện tham vọng này, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng chi tiêu cho lĩnh vực vũ khí từ 1 tỷ USD năm 2002 lên 11 tỷ USD năm 2020. Giai đoạn 2017-2021, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất (đứng đầu là Mỹ, Nga, Pháp). Đồng thời, sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị quốc phòng của nước này cũng giảm đi.

Trong giai đoạn 2010–2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đáp ứng 70% nhu cầu trong nước. Giai đoạn 2015–2019, nhập khẩu vũ khí của nước này cũng chỉ chiếm 30%, chủ yếu là máy bay chiến đấu, xe bọc thép, cũng như vũ khí hạng nặng, động cơ, tên lửa, cảm biến và tàu chiến. Yếu tố chính góp phần giảm nhập khẩu vũ khí giai đoạn tiếp theo là vào năm 2019, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 sau khi nước này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu vũ khí trị giá hơn 3 tỷ USD. Trong giai đoạn từ tháng 1-11/2021, 6 quốc gia mà nước này xuất khẩu nhiều sản phẩm nhất của ngành công nghiệp quốc phòng là: Mỹ (1 tỷ USD), Azerbaijan (192 triệu USD), Qatar (180 triệu USD), UAE (161 triệu USD), Đức (142 triệu USD) và Ukraine (123 triệu USD).

Kể từ những năm 1980, sự phát triển của lĩnh vực vũ khí trong nước đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng chiến đấu độc lập trên lãnh thổ của mình trước các phong trào ly khai của cộng đồng người Kurd, đặc biệt là các chiến binh thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn đang tăng cường tấn công PPK và các chi nhánh địa phương của họ Syria và Iraq.

Các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải duy trì khả năng tiến hành các hoạt động quân sự độc lập ở các quốc gia Arab láng giềng, không phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một loạt chiến dịch quân sự ở Syria: "Lá chắn sông Euphrates" (2016), "Cành ô liu" (2018),"Krynica of Peace" (2019), "Lá chắn mùa Xuân" (2020) và một loạt hoạt động can thiệp ở miền Bắc Iraq.

Việc xuất khẩu vũ khí cũng là một cách để Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ huy động lực lượng cử tri. Thông qua các hợp đồng bán vũ khí cho đối tác nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ đã quảng bá các sự kiện này như là một thành tựu của chính phủ, qua đó thu hút được sự ủng hộ của công chúng. Ví dụ, quyết định của Ba Lan - thành viên NATO đầu tiên - mua máy bay không người lái Bayraktar TB2, đã được bình luận rộng rãi trên báo chí ủng hộ chính phủ để quảng bá đến công chúng. Các sự kiện quảng bá thành tựu công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả các sản phẩm thuộc lĩnh vực quốc phòng của nước này, cũng thực hiện một chức năng tương tự. 

Ngành công nghiêp quốc phòng cũng có tầm quan trọng đối với vị thế quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Hợp tác quốc phòng giúp tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với các quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí hoặc đặt các căn cứ quân sự nước ngoài (Somalia, Qatar). Năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự. Việc Ukraine sử dụng máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo trong cuộc xung đột với Nga đã khiến máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng trên thế giới.

Thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng một vai trò quan trọng trong vùng lân cận của nước này. Trong chiến dịch "Claw Blockade", được tiến hành vào tháng 4 năm nay nhằm vào PKK ở miền Bắc Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng máy bay không người lái và trực thăng T-129 ATAK tự sản xuất. Trong cuộc chiến Nagorny-Karabakh, các lực lượng Azerbaijan đã sử dụng chiến thuật quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kết hợp với hỏa lực pháo binh mặt đất, đã giúp họ giành chiến thắng. Việc sử dụng máy bay Bayraktar TB2 (cùng với máy bay không người lái của Trung Quốc và Iran) giúp quân đội Ethiopia dễ dàng tiến hành cuộc tấn công chống lại các lực lượng vũ trang ở Tigray vào tháng 12/2021.

Tóm lại, chuyên gia Spancerska kết luận, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển mà không phụ thuộc vào nhập khẩu để xây dựng thương hiệu toàn cầu. Ngoài việc đạt được các mục tiêu quân sự và chính trị, chính phủ của Tổng thống T. Erdogan còn củng cố lòng tin của tầng lớp chính trị đối với ngành công nghiệp quốc phòng trong nước như một điều kiện cho một chính sách đối ngoại độc lập và quyết đoán. Các thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là máy bay không người lái, đã thu hút nhiều quốc gia đang kiếm thiết bị đã được chứng minh trên chiến trường và có giá tương đối rẻ.

Sự thành công của lĩnh vực vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể khiến các đối tác nước ngoài tìm kiếm tiềm năng hợp tác, ví dụ: Ba Lan có thể tìm cách để Thổ Nhĩ Kỳ cấp phép sản xuất thiết bị quân sự hoặc ký thỏa thuận bắt đầu hợp tác sản xuất máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ba Lan. Trong khi đó, EU có thể tìm cách giảm hợp tác quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga bằng cách hỗ trợ cải thiện quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Italy và Pháp.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo PISM.pl)
Nguyên nhân sâu xa khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Nguyên nhân sâu xa khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, với quyết định ngăn cản nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, đang giúp nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN