Ông Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Newsweek: “Ba đến bốn tháng là một phỏng đoán khá mơ hồ, nhưng tôi không nghĩ đó là điều điên rồ. Một số người đã ước tính một tháng hoặc hơn. Tôi không nghĩ rằng họ đang bắn [tên lửa] nhanh như vậy."
Chuyên gia Cancian nói thêm: "Sẽ đến thời điểm Mỹ sẽ phải giảm số lượng tên lửa cung cấp [cho Ukraine] vì kho dự trữ sẽ cạn kiệt. Tôi nghĩ sẽ có một loạt cuộc thảo luận bên trong Lầu Năm Góc. Quân đội có thể sẽ muốn giữ lại nhiều hơn; các quan chức dân sự có thể sẽ muốn cho đi nhiều hơn, và họ sẽ đi đến một số thỏa thuận về mức độ rủi ro có thể chấp nhận được”.
Ông Cancian là người đã có hơn 7 năm làm việc về chiến lược của Bộ Quốc phòng và viện trợ chiến tranh tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách Lầu Năm Góc. Ông cho biết: “Số lượng tên lửa [do Mỹ sản xuất] tương đối hạn chế”. Ông nói rằng Mỹ đã sở hữu khoảng 50.000 tên lửa dẫn đường kể từ khi họ bắt đầu sản xuất năm 2004 và sẽ mua khoảng 5.800 quả trong năm tài chính này.
Hôm 25/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo về gói an ninh mới cho Ukraine gồm khoảng 175 triệu USD thiết bị được lấy từ kho quân sự hiện có của Lầu Năm Góc, cùng với 95 triệu USD thiết bị từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, bao gồm bốn hệ thống HIMARS bổ sung - cung cấp cho Ukraine tổng số 16 hệ thống.
"Tôi đoán là chúng tôi có thể đã sử dụng từ 25.000 đến 28.000 tên lửa HIMARS. Lầu Năm Góc không công bố con số, nhưng bạn chỉ cần phỏng đoán từ những gì đã viện trợ trong cuộc xung đột.... Điều đó sẽ cho phép tính toán rằng chúng tôi đã cung cấp cho người Ukraine khoảng 1/3 [số lượng sở hữu]”, ông Cancian nói. "Chúng tôi đã làm điều tương tự với [tên lửa vác vai] Stinger và Javelin, cung cấp cho họ khoảng một phần ba kho dự trữ."
Theo ông Cancian, tỉ lệ đó sẽ cho phép Mỹ giúp Ukraine nhưng vẫn giữ lại đủ cho các mục đích riêng của mình.
Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Newsweek: "Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ an ninh ưu tiên của Ukraine, cung cấp vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ khi có sẵn, rồi tạo điều kiện cho các đồng minh và đối tác giao vũ khí khi hệ thống của họ phù hợp hơn với nhu cầu của Ukraine . "
Theo ông, Lockheed đang "cố gắng tăng mức sản xuất [tên lửa], nhưng phải mất khá nhiều thời gian. Thông thường, khoảng 18 đến 24 tháng”. Bệ phóng HIMARS, được quân đội Mỹ đưa vào trang bị lần đầu tiên vào năm 2010, hiện chưa được sản xuất và có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để sản xuất.
Đến nay vẫn chưa rõ Mỹ thực sự có bao nhiêu hệ thống HIMARS. Sau lần đầu tiên được giới thiệu tại căn cứ Fort Bragg, North Carolina, vào năm 2005, khoảng 250 hệ thống HIMARS đã được sản xuất cho Lục quân và Thủy quân lục chiến, tính đến năm 2009.
HIMARS là hệ thống phóng tên lửa lửa gắn trên xe tải do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Nó được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1990 và được quân đội Mỹ triển khai vào giữa năm 2000.
Bệ phóng của HIMARS gồm 6 ống ống pháo bắn đạn tầm trung, dẫn đường bằng định vị GPS. Đạn tiêu chuẩn của HIMARS có tầm xa khoảng 90 – 92km. Tuy nhiên HIMARS cũng có thể bắn tên lửa đất đối đất ATACMS với tầm bắn lên tới 300km. Mỹ được cho là chưa cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS nhằm tránh nguy cơ Kiev dùng HIMARS tấn công vào lãnh thổ Nga.
HIMARS được điều khiển bởi nhóm 3 pháo thủ và mất 5 phút để nạp đạn cho các ống pháo. Sau khi tấn công mục tiêu bằng một loạt đạn đầu, HIMARS có thể nhanh chóng di chuyển với vận tốc đối đa 85km/giờ để nạp lại đạn và tránh né hỏa lực đáp trả của đối phương. Hệ thống nặng hơn 16 tấn này nổi tiếng với khả năng “bắn và chạy”.
Theo Lockheed Martin, mỗi hệ thống HIMARS có giá khoảng 5 triệu USD.