Vòng đàm phán tiếp theo có thể được tổ chức vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8 tới tùy thuộc vào kết quả làm việc của các nhóm công tác này.
Kết quả vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 10 giờ đồng hồ không làm sáng tỏ số phận START-3, hiện là thỏa thuận song phương duy nhất về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ và sẽ chấm dứt hiệu lực vào tháng 2/2021. Tuy vậy, việc hai bên nhất trí thành lập các nhóm công tác để tiếp tục duy trì đối thoại về vấn đề này, có thể xem như một tia hy vọng sau "cú sốc" cách đây chỉ vài tháng, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định bầu trời mở cho phép các bên giám sát hoạt động quân sự của nhau từ trên không, cũng như Hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga bị đổ vỡ với một quyết định tương tự của Washington.
Theo quy định của START-3 ký năm 2010, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai. Giới chuyên gia nhận định START-3 là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân nếu biết rằng thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.
Tương lai START-3, sẽ hết hiệu lực ngày 5/2/2021, vẫn khá mờ mịt bởi tới nay chỉ có Nga bày tỏ sẵn sàng gia hạn hiệp ước trên thêm 5 năm. Moskva coi START 3 là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới".
Về phía Mỹ, rất nhiều nhân vật trong đảng Cộng hòa, vốn có quan điểm diều hâu, phản đối việc gia hạn hiệp ước thêm 5 năm. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn hoài nghi những "di sản" của người tiền nhiệm Barak Obama. Hầu hết các thành quả dưới thời ông Obama đều bị chính quyền của Tổng thống Trump coi như "thất bại", kèm lời giải thích "nếu như cơ hội đó được đặt vào tay ông Trump, kết cục sẽ có lợi cho Mỹ hơn nhiều". Một minh chứng rõ nhất là từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã "đảo ngược" một loạt chính sách thời người tiền nhiệm, bao gồm việc rút Mỹ khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế.
Đặc biệt, quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump là đưa Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới và cũng là quốc gia liên tục tăng cường sức mạnh quân sự trong những năm qua, tham gia một thỏa thuận cắt giảm hạt nhân chiến lược 3 bên cùng Mỹ và Nga. Mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được đánh giá là "không thấm vào đâu” so với 90% số đơn vị vũ khí hạt nhân trên thế giới do Nga và Mỹ sở hữu, nhưng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự có vẻ khiến Washington và các đồng minh của Mỹ lo ngại.
Tổng thống Donald Trump muốn hối thúc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và Nga nhằm đạt một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, song Bắc Kinh cho tới nay vẫn bác bỏ yêu cầu này. Mặc dù vậy, để gây sức ép với Bắc Kinh, cũng không loại trừ khả năng chính quyền của Tổng thống Trump dựa vào lý lẽ này khi "xé bỏ" START-3.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng yếu tố quan trọng hơn là sự thay đổi của tình hình chính trị-quân sự trên thế giới. Tính từ khi ký kết START-3 vào 10 năm trước, nước Nga ngày nay đã có vị thế địa-chính trị hoàn toàn khác. Đơn cử như trong vấn đề Trung Đông, Nga có thể đưa ra những quyết định quân sự chiến lược, như hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, làm thay đổi cục diện ở khu vực điểm nóng này.
Bên cạnh đó, chính sách bao vây, trừng phạt của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào Nga, cũng như việc Washington tiếp tục triển khai các hệ thống vũ khí ở Đông Âu, bất chấp phản đối của Nga, dường như đang "thúc đẩy" Moskva không ngừng củng cố tiềm lực quân sự, động thái có thể xem như "lời đáp trả đanh thép" trước quan điểm chống Nga lâu nay của phương Tây.
Nga đã giới thiệu một số loại vũ khí hiện đại như thế hệ tên lửa siêu âm mới Kinzal trang bị cho máy bay, cũng như tên lửa hành trình 9M370 Burevestnik và tàu ngầm không người lái Poseidon. Hai phương tiện sau đều sử dụng động cơ hạt nhân không giới hạn tầm hoạt động có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách rất xa. Cả ba loại vũ khí mà Mỹ đều chưa sở hữu này đạt tốc độ cao, khó bị phát hiện và khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ của đối phương là rất lớn. Thêm vào đó, Nga cũng phát triển vũ khí hạt nhân phi chiến lược (chiến thuật), không nằm trong quy định của START-3.
Trong bối cảnh đó, có thể thấy cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân hiện nay đang chuyển sang một giai đoạn mới, đó là chạy đua nâng cấp, phát triển các phương tiện mang vũ khí hạt nhân như tên lửa, tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược hiện đại, để có thể nhanh chóng xuyên thủng các phòng tuyến của đối phương, đánh chính xác mục tiêu khi cần. Với những vũ khí này thì dù đối thủ có hùng mạnh đến đâu cũng sẽ phải chịu tổn thương.
Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 2019, các cường quốc hạt nhân trên thế giới, dù nhìn chung đã giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, song vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Tính đến đầu năm nay, 9 cường quốc hạt nhân - trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc - sở hữu tổng cộng 13.400 đơn vị vũ khí hạt nhân. Khoảng 3.720 đơn vị vũ khí hạt nhân được lưu giữ trong kho tác chiến và khoảng 1.800 trong số này ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Một số nhà hoạch định chiến lược Mỹ cho rằng việc gia hạn START-3 sẽ tạo rủi ro đối với Washington nếu tính đến sức mạnh của Nga hiện nay. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà ông Trump tái cử đang tới gần, có vẻ Washington đang muốn có được thế thượng phong trên bàn thương lượng về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép trong đàm phán về tương lai của SART-3.
Nói cách khác, với quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" và chính sách mà Tổng thống Donald Trump thực thi kể từ khi lên nắm quyền, không thể loại trừ START-3 sẽ có một "kết cục buồn" như INF hay Hiệp ước bầu trời mở.