Đại sứ Mỹ tại Nga, người vừa xin từ chức hồi đầu tháng này, ông Jon Huntsman ngày 14/8 đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Tiếng vọng Moskva (Nga).
Theo ông Huntsman, START-3 không đề cập tới các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như vũ khí phi hạt nhân mới do hiệp ước này được Mỹ và Nga ký vào năm 2010, trước thời điểm thế giới xuất hiện các cuộc chiến tranh mạng, tên lửa siêu thanh và bệ phóng hạt nhân dưới biển... Quan chức Mỹ nêu rõ: "Một số người muốn gia hạn START-3, số khác muốn thay thế bằng một hiệp ước mới. Tôi không chắc hiệp ước này sẽ đi đến đâu". Tuy nhiên, ông cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ một hiệp ước phù hợp với kỷ nguyên hiện đại.
Hiện Mỹ chưa có quyết định chính thức về vấn đề gia hạn START-3, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, có khả năng hiệp ước này sẽ không được gia hạn. Theo ông Bolton, hiệp ước trên không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn hay hệ thống phóng mới của Nga, bởi vậy cần tập trung vào điều gì "tốt hơn", thay vì gia hạn một thỏa thuận chưa hoàn thiện. Ông cũng tuyên bố Washington muốn đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc.
START-3 được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai.
Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. Nga coi START mới là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới", song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này.