Theo tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 27/11, trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng tại khu vực Địa Trung Hải, Cộng hòa Síp đang tiến hành một động thái ngoại giao đầy táo bạo - xem xét khả năng gia nhập NATO.
Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides, nhà lãnh đạo thuộc phe trung hữu, đã bắt đầu một chiến dịch ngoại giao âm thầm nhằm thay đổi quan hệ của quốc gia này với NATO. Vào ngày 30/10 năm ngoái, trong chuyến thăm Mỹ, ông Christodoulides đã trực tiếp trao đổi với Tổng thống Joe Biden kế hoạch hội nhập vào liên minh quân sự quan trọng này.
Trước đây, Cộng hòa Síp luôn giữ một lập trường khá dè dặt với NATO. Những nhà lãnh đạo cánh tả như Tổng thống Dimitris Christofias trước đây - một sinh viên tốt nghiệp tại Nga - từng công khai phản đối việc gia nhập liên minh. Sự hiện diện của căn cứ không quân Anh trên lãnh thổ Cộng hòa Síp từ thời thuộc địa đã từng được coi là một đảm bảo an ninh đầy đủ.
Trong khi đó, Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, con đường này gặp phải một trở ngại lớn: Trong bối cảnh có xung đột với Nga, việc Ukraine gia nhập NATO gần như không khả thi vì có thể kéo toàn bộ liên minh vào một cuộc xung đột toàn diện với Moskva.
Ngược lại, Cộng hòa Síp không vướng vào một cuộc chiến trực tiếp nào. Điều này khiến quốc gia này trở thành một lựa chọn ít rủi ro hơn đối với NATO trong việc mở rộng thành viên.
Cộng hòa Síp còn có một số lợi thế quan trọng. Nền kinh tế và hệ thống dân chủ của quốc gia này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của NATO. Hơn nữa, Síp có vị trí chiến lược ở trung tâm Địa Trung Hải, nơi có thể hỗ trợ NATO trong việc kiểm soát các tuyến đường hàng hải quan trọng và đối phó với các mối đe dọa tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Mối quan hệ chặt chẽ với Hy Lạp, một thành viên lâu năm của NATO, cũng là một lợi thế lớn. Hy Lạp được xem như người bảo trợ chiến lược của CH Síp, và sự hỗ trợ từ Athens sẽ giúp quốc gia này vượt qua các rào cản chính trị khi nộp đơn gia nhập.
Một yếu tố khác là sự ủng hộ từ Mỹ. John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời chính quyền Trump đầu tiên, từng công khai kêu gọi xây dựng một liên minh chiến lược Hy Lạp-Síp-Israel nhằm giảm sự phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một tín hiệu tích cực cho CH Síp trong hành trình hội nhập NATO.
Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Cộng hòa Síp cũng không hề dễ dàng. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên có quyền phủ quyết trong liên minh - đã công khai tỏ thái độ không ủng hộ. Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đưa ra điều kiện: Phương Tây phải công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ Bắc Síp trước khi xem xét đơn gia nhập. Miền Bắc Síp do người gốc Thổ Nhĩ Kỳ cai quản.
Cho đến nay, miền Nam là nước Cộng hòa Síp của người gốc Hy Lạp do Tổng thống Nicos Anastasiades lãnh đạo được quốc tế công nhận, còn miền Bắc thì chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
Mặc dù quá trình gia nhập NATO sẽ không diễn ra nhanh chóng, nhưng những động thái ngoại giao gần đây của Cộng hòa Síp cho thấy một xu hướng chiến lược mới. Quốc gia này đang tìm cách mở rộng không gian ngoại giao và tăng cường an ninh trong một khu vực đầy biến động.
Ngoài ra, dù Síp có thể không thay thế hoàn toàn Ukraine trong kế hoạch mở rộng của NATO, nhưng quốc gia này đang nổi lên như một ứng viên đầy tiềm năng. Với sự hỗ trợ từ Mỹ và Hy Lạp, cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Cộng hòa Síp có cơ hội trở thành thành viên tiếp theo của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.