Trung Quốc nghiên cứu phóng ICBM từ tàu cao tốc

Các nhà khoa học Trung Quốc đánh giá đường sắt cao tốc là bệ phóng tiềm năng cho các cuộc tấn công hạt nhân.

Chú thích ảnh
Trung Quốc từng thử nghiệm đường ray để phóng tên lửa DF-41 vào năm 2016. Ảnh: AP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tàu cao tốc tại Trung Quốc có thể đạt vận tốc lên tới 350 km/h. Một đoàn tàu cũng rất dài, liên kết 16 toa với mỗi toa chứa tải trọng lên tới 60 tấn.

ÔngYin Zihong, Phó Giáo sư chuyên về kỹ thuật dân dụng thuộc Đại học Giao thông Tây Nam ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) phụ trách chính trong dự án nghiên cứu quốc gia, cho biết một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiện đại có thể nằm gọn trong một toa tàu. Khi phóng tên lửa, lực đẩy có thể tác động xuống đường ray và có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng.

Để cải thiện nhược điểm này, ông Yin và các đồng nghiệp đã mô phỏng hoạt động của một hệ thống phóng đường sắt cao tốc trên máy tính dựa trên dữ liệu từ các đợt phóng thử trước đó.

Kết quả họ tìm thấy đã chứng minh trong một số trường hợp, đường sắt cao tốc có thể trở thành một bệ phóng hiệu quả hơn hệ thống đường ray công nghiệp hạng nặng.

“So sánh với hệ thống đường ray vận tải nặng, đường sắt cao tốc hoạt động nhanh hơn và êm hơn. Điều này có nghĩa là khi hoạt động trên đường ray cao tốc, tính lưu động, mức độ an toàn của phương tiện quân sự sẽ tốt hơn”, các nhà nghiên cứu kết luận.

Để xây dựng một tuyến đường sắt bình thường, các kỹ sư sử dụng đá nhỏ và sỏi để hấp thụ các chấn động. Đối với một hệ thống đường ray vận tải nặng, số lượng đá sỏi sẽ tăng lên.

Sóng xung kích tạo ra từ một vụ phóng ICBM có thể tác động sâu tới 8m dưới lòng đất, vượt xa sức chịu đựng của cấu trúc hầu hết các tuyến đường sắt thông thường. Theo một nghiên cứu của nhóm tác giả Yin công bố năm 2020, ngay cả đường sắt hạng nặng cũng cần gia cố phần bên dưới để sống sót sau một vụ phóng tên lửa.

Tuy nhiên, đối với đường sắt cao tốc được xây dựng cố định trên bê tông và không cần sỏi đá làm vùng đệm, việc gia cố sức mạnh để phù hợp cho một vụ phóng tên lửa là điều không cần thiết.

Lực tác động từ một vụ phóng tên lửa trên đường sắt cao tốc sẽ chỉ giới hạn ở những khu vực bề mặt, từ đó có thể dễ dàng nhận biết thiệt hại và sửa chữa. Cấu trúc hỗ trợ móng đường sắt cao tốc ở Trung Quốc được xây dựng sâu tới 60m.

Theo các chuyên gia quân sự, trong một vụ tấn công hạt nhân, hệ thống phóng ICBM bằng đường sắt sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn hơn so với các hệ thống trên bộ khác, cụ thể như silo và xe tải. Một đoàn tàu có thể mang tên lửa với số lượng ngang một tàu ngầm hạt nhân.

Chú thích ảnh
Đoàn tàu "Ngày tân thế" của Liên Xô vào cuối những năm 1980. Ảnh: Wikipedia Commons

Tàu hỏa mang vũ khí hạt nhân, còn có biệt danh là đoàn tàu “ngày tận thế”, lần đầu tiên được quân đội Mỹ đề xuất trong Chiến tranh Lạnh. Trước đây, Liên Xô đã xây dựng một hệ thống tương tự và sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Nhìn từ bên ngoài, đoàn tàu “ngày tận thế” trông gần giống với một đoàn tàu bình thường. Bên cạnh việc mang theo tên lửa, đoàn tàu này còn là nơi ở cho binh sĩ và kỹ sư vận hành.

Việc theo dõi và phá hủy đoàn tàu mang tên lửa là rất khó, đặc biệt là tại một quốc gia có hệ thống đường sắt chằng chịt qua núi và hầm. Trong vòng chưa đầy 20 năm, Trung Quốc trở thành quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Mạng lưới đường sắt này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hỗ trợ hậu cần cho quân đội Trung Quốc.

Được biết Trung Quốc đã thử nghiệm đường ray để phóng tên lửa DF-41 vào năm 2016. Tên lửa được phóng lên không trung bằng khí điều áp mà không cần đánh lửa động cơ tên lửa. Tên lửa DF-41 là ICBM nặng 80 tấn mang nhiều đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 15.000 km. DF-41 dài 20 m và rộng 2 m trong khi một toa tàu cao tốc điển hình của Trung Quốc dài khoảng 27 m và đường kính hơn 3 m.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Khả năng Trung Quốc có 'căn cứ' đầu tiên tại Thái Bình Dương
Khả năng Trung Quốc có 'căn cứ' đầu tiên tại Thái Bình Dương

Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon có thể là tiền đề cho Bắc Kinh xây dựng căn cứ đầu tiên tại Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN