Khả năng Trung Quốc có 'căn cứ' đầu tiên tại Thái Bình Dương

Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon có thể là tiền đề cho Bắc Kinh xây dựng căn cứ đầu tiên tại Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) cùng người đồng cấp Solomon Manasseh Sogavare tại lễ tiếp đón ở Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: AP

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tăng cường hiện diện ngoại giao và quân sự ở Thái Bình Dương bằng các cam kết thỏa thuận với các quốc gia trong khu vực.

Theo đài Sputnik, một thỏa thuận “hợp tác an ninh” được đề xuất giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon rò rỉ mới đây bao gồm các điều khoản, cho phép các tàu Trung Quốc “thực hiện công tác hậu cần, dừng chân hoặc quá cảnh” tại quốc gia Thái Bình Dương.

Tài liệu nêu rõ "các lực lượng liên quan của Trung Quốc có thể được huy động để bảo vệ các dự án lớn cũng như đảm bảo an toàn cho người Trung Quốc” trên quần đảo Solomon. Theo thỏa thuận đề xuất, chính phủ Solomon có thể yêu cầu Bắc Kinh triển khai lực lượng cảnh sát, quân đội và các đơn vị thực thi luật pháp khác tại quần đảo để thực hiện các sứ mệnh nhân đạo và an ninh.

Tiến sĩ Anna Powles, chuyên gia New Zealand về địa chính trị Thái Bình Dương, cho rằng ký kết hiệp ước an ninh đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc có sẵn các thiết bị, vật tư hậu cần ở Solomon. Chuyên gia đánh giá đây có thể được coi như một "căn cứ" của Trung Quốc ở quần đảo Solomon, đánh dấu căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.

Dự thảo thỏa thuận an ninh xuất hiện trong bối cảnh quan hệ giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc ngày càng tỏ ra bền chặt. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Solomon và được miễn thuế đối với 97% hàng hóa xuất khẩu của quần đảo này.

Tháng 1/2021, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã đề nghị cảnh sát chống bạo động Trung Quốc đến dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực ở thủ đô Honiara. Nhà lãnh đạo Sogavare tuyên bố cuộc bạo động được "kích động từ nước ngoài".

Theo một tuyên bố của chính phủ, cảnh sát và binh sĩ của một số quốc gia khác như Australia và New đã tham gia ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quan chức quốc phòng Australia tỏ ý không hài lòng khi Honiara đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ về mặt an ninh, cho rằng động thái này có thể là bước khởi đầu cho những hoạt động viện trợ an ninh từ Trung Quốc trong tương lai.

Về phần mình, trong một bản báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái, Washington đang trong quá trình tăng cường các cơ sở quân sự của Mỹ cũng như tham gia cuộc chạy đua giành ảnh hưởng giữa các quốc đảo Thái Bình Dương với Bắc Kinh. Hiện Mỹ đang đàm phán nội dung Hiệp định Liên kết tự do (COFA) với 3 nước Cộng hòa Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tìm thấy hộp đen thứ hai của chiếc máy bay bị rơi ở Trung Quốc
Tìm thấy hộp đen thứ hai của chiếc máy bay bị rơi ở Trung Quốc

Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy hộp đen thứ hai của chuyến bay MU5735 của China Eastern Airlines, có khả năng cung cấp manh mối quan trọng về vụ tai nạn khiến 132 người thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN