Trung Quốc bán tàu ngầm cho Thái Lan, nhưng không có động cơ

Thỏa thuận mua bán tàu ngầm giữa Trung Quốc và Thái Lan có điều khoản sử dụng động cơ diesel của Đức. Nhưng đây lại là mặt hàng nằm trong diện Đức cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Mô hình tàu ngầm Trung Quốc đóng mới và chuyển giao cho Thái Lan. Ảnh: EPA

Tàu ngầm Trung Quốc đang đóng cho Thái Lan thiếu một nhân tố quan trọng, đó chính là động cơ. Hợp đồng giữa hai bên đề cập đến việc tàu ngầm này được trang bị động cơ do hãng MTU Friedrichshafen GmbH (gọi tắt là MTU) chế tạo – phát ngôn viên lực lượng hải quân Thái Lan cho biết.

Thế nhưng Đức vẫn đang áp quy định cấm xuất khẩu động cơ sang Trung Quốc, theo đúng tinh thần lệnh trừng cấm xuất khẩu vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) sang Trung Quốc được đề ra từ năm 1989. Thực tế này đang tạo ra tình huống khó khăn cho Trung Quốc.

Thỏa thuận đóng một tàu ngầm trị giá 410 triệu USD cho Thái Lan là một trong hai cột mốc nổi bật trong tham vọng xuất khẩu vũ khí, trang bị đối với Trung Quốc và là biểu tượng cho mối quan hệ bền chặt giữa Bắc Kinh và Bangkok. Cột mốc còn lại là hợp đồng đóng mới và chuyển giao 8 tàu ngầm cho Pakistan trị giá nhiều tỉ USD mà hiện không rõ có được trang bị động cơ của Đức hay không. Phía Đức từ chối đưa ra phản hồi về vấn đề này.

Nhưng trong hợp đồng với Thái Lan, Tùy viên Quốc phòng Đức tại Bangkok  Philipp Doert đã nói rằng Đức không chấp nhận xuất khẩu động cơ diesel, bởi đây là mặt hàng liên quan đến nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã không tham vấn Đức về nội dung này trước khi chào mời cho Thái Lan động cơ của hãng MTU.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal (WSJ), đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lệnh cấm xuất khẩu của EU đã tồn tại từ lâu và hiện không còn phù hợp với cục diện quốc tế hiện hành cũng như chiều hướng phát triển quan hệ Trung Quốc-EU, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng EU sẽ đưa ra quyết định sửa sai trong thời gian sớm nhất.

Vào năm 2005, một số nước châu Âu lên tiếng ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, bất chấp phản đối từ Mỹ - nước cho rằng bước đi này sẽ gây ra mất cân bằng quân sự ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, lệnh cấm này chưa bao giờ được thực thi một cách tuyệt đối. Việc nhiều nước thành viên EU viện dẫn cách lý giải khác nhau đã mở đường cho việc duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc. Những mặt hàng lưỡng dụng, dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự, vẫn được xuất sang Trung Quốc.

Theo Siemon Wezeman, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại chương trình chuyển giao vũ trang thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển, đã có thời gian động cơ diesel của Đức được liệt vào dạng lưỡng dụng này. SIPRI ướ tính đã có khoảng 56 động cơ do MTU chế tạo được chuyển giao cho Trung Quốc kể từ năm 1989, phục vụ chế tạo các tàu ngầm tấn công lớp Tống. Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy có ít nhất 26 động cơ MTU được dùng cho các tàu khu trục do Trung Quốc tự đóng.

Nhưng tình hình đã thay đổi. Trước việc đài phát thanh Đức ARD và tờ Welt am Sonntag khui ra vụ chuyển giao này vào năm ngoái, MTU đã lên tiếng giải thích rằng việc xuất khẩu động cơ cho tàu ngầm lớp Tống được chính quyền Đức phê chuẩn. Nhưng sau đó nhà chức trách đã đưa ra một số điều chỉnh về luật. “Cuối cùng, chúng tôi đã dừng việc cung cấp động cơ cho tàu ngầm Trung Quốc”, đại diện MTU chia sẻ với WSJ.

MTU không phản hồi trước đề nghị của tờ WSJ đề nghị cho biết thời điểm điều chỉnh quy định là khi nào, từ chối bình luận về vụ tàu ngầm Thái Lan đặt mua của Trung Quốc được trang bị động cơ của hãng. Bộ Ngoại giao Đức cũng không phản hồi thông tin trước câu hỏi đề nghị xác nhận thông tin của WSJ.

Tàu ngầm Thái Lan đặt mua có tên gọi S26T, là phiên bản xuất khẩu của mẫu tàu ngầm lớp Nguyên, lớp kế cận lớp Tống. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về phát triển quốc phòng Trung Quốc năm 2021, đến thời điểm tháng 12/2020, Trung Quốc vẫn chưa chuyển giao bất kỳ tàu ngầm lớp Nguyên nào cho đối tác nước ngoài.

Theo phát ngôn viên lực lượng hải quân Thái Lan, Phó Đô đốc Pokkrong Monthatphalin, nếu Trung Quốc không thể đáp ứng yêu cầu về động cơ của Thái Lan, hai bên sẽ phải điều chỉnh lại hợp đồng theo cách thức không đẩy hải quân Thái Lan vào thế bất lợi. Tiến trình đàm phán vẫn đang được thúc đẩy, phía Trung Quốc đề xuất một số mẫu động cơ thay thế, nhưng chưa hai bên chưa đi đến thống nhất cuối cùng. Việc chuyển giao tàu ngầm vì thế có thể sẽ bị chậm so với kế hoạch.

Đàm phán về các hợp đồng thương mại quân sự hiếm khi được công bố công khai. Nhưng thông tin về khúc mắc động cơ xuất hiện khi tờ Bangkok Post hồi tháng 2/2022 đăng tải bài viết về việc Đức phản đối Trung Quốc sử dụng động cơ do Đức chế tạo để trang bị cho một tàu ngầm bán cho bên thứ ba – trong trường hợp này là Trung Quốc. Tuy viên Quốc phòng Đức tại Thái Lan Doert ngay sau đó lên tiếng khẳng định khúc mắc không phải là việc đích đến cuối cùng của động cơ, mà là việc động cơ rơi vào tay nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Hợp đồng đặt mua tàu ngầm do Trung Quốc đóng là chủ đề gây tranh cãi tại Thái Lan. Chính quyền Bangkok lúc đầu dự định đặt mua ba tàu ngầm với tổng trị giá khoảng 1,1 tỉ USD. Nhưng sau đó chỉ mua một chiếc, trì hoãn hai chiếc còn lại khi dư luận trong nước phản đối chi phí mua sắm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Thái Lan chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Sứa biển trở thành kẻ thù của tàu ngầm năng lượng hạt nhân Australia
Sứa biển trở thành kẻ thù của tàu ngầm năng lượng hạt nhân Australia

Giới khoa học đã cảnh báo về rủi ro tiềm tàng từ các đàn sứa biển đối với hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Australia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN