Chính phủ Australia trong tháng 3 đã công bố danh sách 3 địa điểm tiềm năng để xây dựng cảng nhà cho hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân của nước này là Brisbane, Newcastle và Wollongong. Tờ Guardian (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho hay: “Sẽ có hàng nghìn việc làm liên quan tới cơ sở này”.
Vào tháng 9/2021, liên minh 3 bên “AUKUS” gồm Australia, Anh và Mỹ được thành lập. Dự án đầu tiên của AUKUS là Mỹ, Anh là chia sẻ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm. Trước đó, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ với Anh.
Nhưng nhà sinh học biển hàng đầu Lisa-ann Gershwin đánh giá Brisbane là địa điểm “tồi tệ nhất” để thiết lập căn cứ tàu ngầm hạt nhân bởi Vịnh Moreton là nơi sứa biển thường xuyên xuất hiện.
Vào năm 2006, tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ buộc phải đóng khẩn cấp lò phản ứng hạt nhân sau khi hút hơn 800 kg sứa biển vào bình ngưng, gây cản trở cho chất làm mát tiếp cận lò phản ứng chính.
Bà Gershwin cho biết may mắn không có tai nạn nghiêm trọng với tàu USS Ronald Reagan của Mỹ nhưng: “Khi xử lý những thứ liên quan đến hạt nhân, bạn phải thật cẩn trọng”.
Hiện tượng “đóng cửa vì sứa” khá phổ biến với các nhà máy năng lượng hạt nhân thường hút nước biển để làm mát.
Bà Gershwin chia sẻ: “Sứa biển như nhựa vậy. Nếu bạn từng nhìn thấy một bộ lọc hồ bơi bị mắc túi ni lông, nó sẽ tắc và gây ngập khắp nơi bởi nước không thể đi qua. Sứa biển cũng gây ra tình trạng chặn nước và việc ngưng hoạt động khẩn cấp các nhà máy năng lượng hạt nhân xảy ra thường xuyên”.
Do đó, bà Gershwin kết luận rằng nếu Brisbane được chọn làm địa điểm xây dựng căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân thì tình trạng ngưng hoạt động vì sứa là “không tránh khỏi”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Australia cho biết các tàu ngầm năng lượng hạt nhân sẽ được trang bị hệ thống “ngăn ngừa tình trạng gián đoạn hoạt động từ những yếu tố bên ngoài bị hút vào hệ thống làm mát”.