Trung Quốc và Mỹ có lẽ đang bên bờ vực của một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi cả hai quốc gia này tìm cách phát triển máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên có thể hoạt động trên các tàu sân bay, trang tin Bussiness Insider mới đây cho biết.David Axe, một phóng viên chuyên về quốc phòng người Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã đầu tư phát triển máy bay tàng hình J-31 hoạt động trên tàu sân bay duy nhất hiện nay của nước này. Bắc Kinh thường xuyên thử nghiệm các loại vũ khí mới nhằm bổ sung vào kho vũ khí của mình bằng cách xây dựng các loại mô hình nguyên mẫu đầu tiên.
Một mô hình thu nhỏ của chiếc máy bay, được cho là máy bay chiến đấu tàng hình J-31, trưng bày tại khu vực dành cho quân sự tại Triển lãm Hàng không và Không gian vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở thành phố Chu Hải (Zhuhai), phía nam nước này ngày 12/11/2012. |
Nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu J-31 trên tàu sân bay Liêu Ninh,,đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với máy bay chiến đấu tàng hình F-35C vốn được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay của Mỹ và đang gặp một số vấn đề. Máy bay F-35C, dự kiến được triển khai cho hạm đội tàu sân bay của Mỹ vào năm 2018, sẽ là máy bay tàng hình đầu tiên có thể được triển khai từ biển.
Khát vọng của Trung Quốc đối với những khả năng quân sự tiên tiến như trên xuất hiện vào một thời điểm mà Mỹ đang nỗ lực "xoay trục" trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc cho rằng họ có thể tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực này ở châu Á, do đó Bắc Kinh đang tìm cách đối trọng với bất kỳ sự gia tăng ảnh hưởng nào của Washington ở khu vực sân sau của mình.
Khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên vùng biển mở sẽ là một lợi thế rất lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc, và đó là một khả năng mà có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương. Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng gia tăng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 được phóng từ tàu sân bay có thể cung cấp cho Trung Quốc lợi thế tấn công trước trong trường hợp có chiến tranh.
Cùng với J-31, Trung Quốc hiện đang trong quá trình lắp đặt thêm các tàu sân bay. Một trong số chúng có thể sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và lớn bằng siêu tàu sân bay của Mỹ.
Trung Quốc cũng đang phát triển một loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 khác được gọi là J-20. Trong khi J-20 chủ yếu được coi như là một bản sao của máy bay Mỹ, J-31 lại có kiểu dáng nhỏ hơn, đẹp hơn. Vladimir Barkovsky, Trưởng phòng thiết kế máy bay MiG của Nga, đã gọi J-31 là một "thiết kế bản địa tốt".
J-31 có kích thước tương tự như F-35. Tuy nhiên, loại máy bay này của Trung Quốc có động cơ nhỏ hơn và thân máy bay bằng phẳng hơn, tập trung vào chiến đấu không đối không. Thiết kế này cũng có nghĩa là J-31 sẽ có một khoang vũ khí nhỏ hơn so với F-35, nhưng nó sẽ cải thiện được vấn đề nhiên liệu và tốc độ cao hơn do giảm được lực ma sát.
Có thể là Trung Quốc đang phát triển J-31 để cuối cùng sẽ bay cùng với J-20. Điều này sẽ tương tự như việc Mỹ sử dụng F-22 và F-35. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể phát triển J-31 chỉ để xuất khẩu và trở thành một đối thủ cạnh tranh với F-35. Nếu trường hợp này là đúng, Trung Quốc coi mình như là một nhà cung cấp vũ khí cho các quốc gia trên thế giới trong tương lai, những nước mà Mỹ còn cân nhắc trong vấn đề chuyển giao F-35C.
Một ứng cử viên có khả năng mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc là Pakistan. Hai quốc gia này trước đây đã cùng nhau phát triển một máy bay chiến đấu tiên tiến và 54 % số vũ khí hiện nay của Pakistan là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhưng việc Trung Quốc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Pakistan có thể khiến cho căng thẳng trong khu vực tăng lên vì Ấn Độ - đối thủ địa chính trị lớn của Pakistan hiện đang phối hợp phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với Nga.
Công Thuận (B.I)