Triển vọng hạn chế của ngành quốc phòng Ukraine khi cuộc xung đột kéo dài

Ukraine đã thừa hưởng nhiều doanh nghiệp quốc phòng từ thời Liên Xô, vậy liệu những doanh nghiệp này có thể sản xuất một số thiết bị mà Ukraine cần trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga?

Chú thích ảnh
Tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine khai hỏa. Ảnh: PSOPU

Theo nhận định của Tiến sĩ Thomas Laffitte, nghiên cứu viên Chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), sau hơn 7 tháng xung đột, Nga và Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài, buộc mỗi bên phải tìm giải pháp lâu dài cho nguồn cung cấp quân sự của mình. Nếu không có sự hỗ trợ tài chính và quân sự của phương Tây, Ukraine sẽ không thể duy trì quân đội hoặc tiếp tục chiến đấu. Mặc dù phương Tây đã cam kết cung cấp thiết bị cho Ukraine trong thời gian có thể để giành chiến thắng, nhưng Kiev muốn nhận càng nhiều thiết bị càng tốt để tránh bất kỳ thay đổi chính sách hoặc việc chậm trễ giao hàng.

Vậy Kiev có thể hy vọng vào những đóng góp gì từ ngành quốc phòng trong nước? Ukraine thừa hưởng nhiều doanh nghiệp quốc phòng từ thời Liên Xô, vậy liệu những doanh nghiệp này có thể sản xuất một số thiết bị thời chiến mà Ukraine cần?

Mới đây, nhà sản xuất máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mở một nhà máy ở Ukraine cũng làm dấy lên tinh thần lạc quan về năng lực công nghiệp - quân sự của Ukraine.

Mặc dù chỉ đóng góp một phần nhỏ vào nguồn cung cấp quân sự của nước này, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine có thể chứng tỏ vai trò quan trọng nếu mở rộng quy mô. Để làm được điều đó, Ukraine sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại.

Yêu cầu đầu tiên là các vùng lãnh thổ không bị cắt nối liên kết do xung đột, nhưng trong điều kiện hiện nay sẽ rất khó để thiết lập các dây chuyền sản xuất chiến lược như vậy. Ngoài ra, sau nhiều năm thiếu hụt nguồn vốn và các vấn đề sản xuất, tổ hợp công nghiệp - quân sự Ukraine bước vào cuộc xung đột trong tình trạng rất tồi tàn.

Di sản thời Liên Xô

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine có khoảng 15% các nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và cơ sở cũng như các nhà máy sản xuất quân sự của Liên Xô cũ. Con số này lên tới 700 nhà máy chuyên dụng với lực lượng lao động khoảng 500.000 người, khiến ngành công nghiệp quốc phòng trở thành một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất cả nước.

Ukraine cũng được thừa hưởng nhiều tài sản trong ngành hàng không vũ trụ. Pivdenne, có trụ sở tại Dnipro, là trung tâm sản xuất tên lửa xuyên lục địa của Liên Xô. Motor Sich, có trụ sở tại Zaporizhzhia, đã trang bị động cơ và tuabin khí cho máy bay Liên Xô. Ví dụ nổi tiếng nhất là Antonov, công ty từng phát triển chiếc máy bay lớn nhất mọi thời đại, Mriia A-225. Ngoài ra, nhà máy Malyushev ở Kharkiv là trung tâm sản xuất áo giáp lớn nhất ở Liên Xô cũ và có từ sau Thế chiến II.

Nhưng kể từ năm 1991, lĩnh vực quốc phòng của Ukraine phải đối mặt với những khó khăn kinh tế lớn sau khi độc lập. Không giống như tham vọng vẫn là một cường quốc của Nga, Ukraine nhanh chóng lựa chọn trung lập. Nhận thấy không có mối đe dọa an ninh tức thời nào, Lực lượng vũ trang Ukraine không có nhu cầu cấp bách về việc mua thiết bị, cũng như không được cấp đủ ngân sách để làm điều đó. Do đó, họ mua một số lượng hạn chế các trang thiết bị từ các nhà sản xuất trong nước, những đơn vị phải dựa vào xuất khẩu để tồn tại. Trên hết, việc thiếu kinh phí đã khiến các kỹ sư có trình độ học vấn của nước này "ra đi" do bị thu hút bởi các ngành công nghiệp khác được trả lương cao hơn.

"Thức tỉnh" năm 2014

Việc Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 và bùng nổ xung đột ở Donbass là một hồi chuông cảnh tỉnh, buộc quân đội Ukraine phải tự trang bị lại, và trong quá trình này, họ đã đặt hàng với các công ty trong nước. Do đó, xuất khẩu giảm đáng kể, vì lợi ích của Lực lượng vũ trang Ukraine, ví dụ, quân đội Ukraine đã mua một lô xe tăng T-64 và BTR-3 do Angola và Thái Lan đặt hàng ban đầu.

Chú thích ảnh
Xung đột với Nga đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Ảnh: Quân đội Mỹ

Nhưng nhưng đơn đặt hàng đột ngột này diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã mất đi các đối tác truyền thống ở Nga, những cơ sở mà ngành công nghiệp Ukraine vẫn duy trì các liên kết quan trọng cho đến năm 2014. Gián đoạn thương mại hoàn toàn đã gây ra nhiều vấn đề hàng loạt cho các nhà sản xuất này, những công ty đột nhiên phải tìm nhà cung cấp mới. Về cơ bản, họ không tìm thấy bất kỳ một đối tác khác nào. Ví dụ, Antonov đã không sản xuất một chiếc máy bay nào kể từ năm 2016.

Ngoài thất bại chung của ngành công nghiệp Ukraine, còn có thiệt hại hiện tại do cuộc xung đột với Nga kể từ tháng 2 năm nay. Không có gì ngạc nhiên khi các địa điểm sản xuất trang thiết bị quân sự của Ukraine là mục tiêu cho các cuộc không kích của Nga. Tính đến tháng 5, các cơ sở chính ở Kiev và Mykolaiv, cũng như nhà máy xe tăng Malyshev khổng lồ ở Kharkiv, đã bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Gần đây hơn, nhà máy Motor Sich ở Zaporizhzhia đã bị tấn công.

Triển vọng hạn chế

Luch là một trong số ít nhà sản xuất tương đối thành công của Ukraine, chế tạo tên lửa không đối đất Stuhna, thường xuyên được sử dụng trong xung đột. Tuy nhiên, việc mua sắm vũ khí công nghệ cao nhìn chung vẫn còn rất hạn chế. Năm 2021, Tổng giám đốc Luch, Oleh Korostelev, tuyên bố rằng công ty này chỉ có thể cung cấp 600 hoặc 800 tên lửa Neptune cho Lực lượng vũ trang Ukraine, so với nhu cầu ít nhất 2.000 tên lửa.

Tuy nhiên, vũ khí công nghệ cao không phải là lĩnh vực duy nhất mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine quan tâm. Steven Zaloga, chuyên gia quốc phòng và nhà tư vấn tại TEAL Group, giải thích rằng quân đội Ukraine được cung cấp một số trang thiết bị hiện đại, nhiều trong số đó là được sản xuất từ trong nước. Ông Zaloga cũng lưu ý rằng trong lĩnh vực xe bọc thép, dường như có một số lượng nhất định BTR-3/BTR-4 đang được sử dụng. 

Liên quan đến nhà máy chế tạo máy bay không người lái Bayraktar trong tương lai ở Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã xác nhận sự xuất hiện của công ty Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động sản xuất chung với các nhà sản xuất Ukraine. Mặt khác, nhà sản xuất máy bay không người lái UkrSpecSystems của Ukraine đã công bố kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang nước láng giềng Ba Lan. Trong bối cảnh này, thật khó để tưởng tượng nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào một cơ sở mới ở Ukraine, do lo ngại bị tấn công.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo fpri.org)
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO

Ngày 30/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đã chính thức nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN