“Tôi nói với ông Donald Trump: ‘Nếu ông muốn, chúng tôi sẽ bán chúng cho Mỹ và đó là cách mọi thứ trở nên cân bằng ngay lập tức’. Tuy nhiên, họ nói rằng họ sẽ sớm tự sản xuất (vũ khí). Chắc chắn họ sẽ làm điều này nhưng vì sao lại lãng phí tiền của trong khi chúng tôi vốn đã làm điều này và thu được kết quả, vừa có lợi cho an ninh của quốc gia vừa vì lợi ích của thế cân bằng”, ông Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự phiên họp.
Đài Sputnik đưa tin ông chủ Điện Kremlin cho hay lời đề nghị trên được đưa ra sau khi Mỹ muốn đưa vũ khí mới nhất của Nga vào các hiệp ước kiểm soát vũ khí chung, với lý do rằng không có quốc gia nào khác sản xuất loại vũ khí này cho đến nay. Ông Putin nói thêm Moskva sẵn sàng thảo luận về phương thức kiểm kê số lượng phương tiện phóng và đầu đạn tên lửa của nước này.
“Đó là một câu hỏi đặc biệt, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, Nga đều sẵn sàng đối thoại. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời rõ ràng của Mỹ”, Tổng thống Nga giải thích.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Washington đã không phản ứng với đề xuất của Nga về việc kiềm chế chạy đua vũ trang cũng như việc Washington đang xem xét đưa vũ khí vào không gian. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý Mỹ vẫn chưa thông qua Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện mà Nga đã ký năm 1996.
Tháng 8 vừa qua, sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đã thử một quả tên lửa mặt đất tầm trung bị cấm theo INF. Tổng thống Nga đã bày tỏ sự thất vọng về động thái của Washington. Hai nước này vẫn tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) năm 2010. NEW START hiện là thỏa thuận vũ khí hạt nhân duy nhất giới hạn kho vũ khí chiến lược của Mỹ và Nga, nhưng nó sẽ hết hạn vào năm 2021 và hiện khả năng gia hạn hiệp ước là rất mong manh.