Theo Bộ trưởng Amherd, Cộng hòa Séc và Đức đã đề nghị mua lại một số xe tăng nói trên, song bà không nêu số lượng cụ thể. Bà cũng nhấn mạnh, một khi nhu cầu quốc phòng của Thụy Sỹ được đáp ứng, quân đội nước này sẽ dư thừa một số xe tăng không sử dụng đến và nếu được Quốc hội cho phép, Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ có thể bán lại cho các quốc gia khác.
Thụy Sỹ hiện có 230 xe tăng Leopard 2, trong đó có 134 chiếc đang phục vụ và 96 chiếc đã ngừng hoạt động, song không có nghĩa là số này đã hoàn toàn vô dụng. Theo luật pháp của Thụy Sỹ, chỉ những thiết bị quân sự đã ngừng sử dụng mới có thể được đem bán, trong khi Quốc hội nước này sẽ quyết định tình trạng của các thiết bị này.
Cộng hòa Séc thuộc số các quốc gia viện trợ nhiều vũ khí cho Ukraine, trong khi Đức đã cam kết sẽ cung cấp cho Cộng hòa Séc 14 xe tăng Leopard 2A4 để thay thế một số vũ khí từ thời Liên Xô đã được Cộng hòa Séc viện trợ cho Ukraine. Do Thụy Sỹ cấm chuyển giao thiết bị quân sự cho một quốc gia đang có chiến tranh dưới danh nghĩa một quốc gia trung gian, nên Berlin đã đảm bảo với Thụy Sỹ rằng xe tăng mua lại của Thụy Sỹ sẽ không được tái xuất sang Ukraine, trong khi Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ khẳng định nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với đề nghị của Cộng hòa Séc.
Kể từ khi xung đột quân sự nổ ra tại Ukraine, các cuộc tranh luận về vấn đề cung cấp vũ khí đã nóng lên trên chính trường Thụy Sỹ. Quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) này đã chấp nhận tất cả các biện pháp trừng phạt của Brussels đối với Moskva, nhưng kiên quyết khẳng định lập trường trung lập về quân sự. Mặc dù Kiev và các nước phương Tây như Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch đã hối thúc Chính phủ Thụy Sỹ cho phép tái xuất vũ khí và đạn dược sang Ukraine, song cho đến nay Thụy Sỹ vẫn bác bỏ các yêu cầu này.