Đây là tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmirty Medvedev trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Luxembourg Wort của Luxembourg ngày 5/3 trước thềm chuyến thăm tới nước này.
Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh :"Chúng tôi không đe dọa ai, càng không có ý định tấn công ai hay chiến tranh với ai. Chúng tôi muốn có vũ khí hiện đại và hiệu quả nhất, không phải để tấn công. Học thuyết quốc phòng của Nga hoàn toàn mang tính phòng thủ. Chúng tôi xem vũ khí hạt nhân hoàn toàn là nhân tố kiềm chế, đảm bảo an ninh quốc gia".
Theo ông Medvedev, mọi mưu toan sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa sẽ làm gia tăng căng thẳng trên thế giới, và để đảm bảo an ninh cho tất cả, tốt nhất Mỹ cần rút vũ khí hạt nhân từ châu Âu về nước cũng như phá hủy cơ sở hạ tầng của vũ khí hạt nhân tại châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ Moskva mong muốn hòa bình và ổn định ở châu Âu và đang đối thoại với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Liên quan đến Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ngày 4/3, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở thủ đô Washington, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng các nước châu Âu sẽ là bên thua thiệt trong trường hợp phá vỡ hoàn toàn INF giữa Nga và Mỹ.
Theo Đại sứ Antonov, Nga lo ngại rằng sau khi Mỹ quyết định rút khỏi INF, các tên lửa có thể được bố trí trên lãnh thổ các nước đồng minh châu Âu của Washington, buộc Nga phải bố trí các tên lửa của mình và khi đó toàn bộ lãnh thổ các nước châu Âu sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa này. Khi đó chính Nga và châu Âu phải đối mặt với thách thức an ninh mới, phải tránh không để tình trạng đó xảy ra.
Ông Antonov khẳng định Nga và Mỹ có thể hợp tác trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ sở tốt để hợp tác. Ông cũng chỉ ra một gói các thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về hợp tác trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tuyên bố cả Nga và Mỹ đều có chung quan ngại về khả năng vũ khí hủy diệt hàng loạt rơi vào tay các tổ chức khủng bố.
Đại sứ Nga cho biết việc Nga phát triển các tên lửa mới là phản ứng trước quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) hồi năm 2002. Cụ thể, ông Antonov đã nói về các tên lửa Kinzhal, Peresvet, "Sarmat", Avangard và Poseidon. Đại sứ Antonov nhấn mạnh Nga kêu gọi Mỹ quay trở lại các cuộc đàm phán về sự ổn định chiến lược và tất cả các đề xuất của Moskva vẫn còn hiệu lực.
Trong khi đó, ngày 4/3, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga Viktor Bondarev cho rằng việc Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước INF với Mỹ không có nghĩa Moskva từ bỏ thỏa thuận này. Ông lưu ý phía Nga chỉ đình chỉ nghĩa vụ của nước này trong khuôn khổ Hiệp ước INF chứ không chấm dứt thỏa thuận.
Theo ông Bondarev, có khả năng một phiên bản mới của Hiệp ước INF sẽ được thiết lập nếu có thêm nhiều nước tham gia thỏa thuận này. Ông Bondarev chia sẻ phiên bản hiện tại của hiệp ước đã lỗi thời bởi hơn 30 năm đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận này được ký và nhiều nước khác đã phát triển các loại vũ khí bị cấm.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hiệp ước INF với Mỹ. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.