Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn một sĩ quan tại Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 26/7 cho biết: “Khác với quỹ đạo bay parabol thường thấy, kiểu bay của Iskander rất phức tạp và tên lửa Triều Tiên phóng hôm qua cho thấy kiểu bay tương tự”.
Đây là lần đầu tiên giới chức quân sự chính thức đưa ra đánh giá như vậy, mặc dù giới chuyên gia cho biết Triều Tiên đã thử nghiệm phiên bản Iskander riêng của nước này - tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất - từ hồi tháng 5.
JCS xác nhận Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa tầm ngắn từ một địa điểm gần thị trấn ven biển Wonsan về phía Biển Nhật Bản sáng 25/7. Một quả được bắn vào khoảng 5h34 và quả còn lại được bắn vào lúc 5h57 (giờ địa phương) từ phía Bán đảo Hodo. Hai quả tên lửa tầm ngắn đã bay được khoảng 430km và đạt độ cao 50km trước khi rơi xuống biển.
Sĩ quan tại JCS cho biết: “Ban đầu, hai quả tên lửa được cho là đã bay lần lượt 430km và 690km, nhưng các phân tích sâu hơn cùng với phía Mỹ cho thấy các tên lửa đã bổ sung cái gọi là chuyển động nâng lên trong giai đoạn rơi”.
Theo các chuyên gia, giai đoạn trở lại quỹ đạo, tên lửa Iskander của Nga chuyển động nâng lên theo chiều ngang và sau đó đâm thẳng xuống để tấn công mục tiêu ở góc rơi xấp xỉ 90 độ để tránh bị đánh chặn.
Phân tích này trùng hợp với môt bản báo cáo của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cùng ngày. Theo đó, hệ thống tên lửa dẫn đường chiến thuật mới của quốc gia Đông Bắc Á này sở hữu các đặc điểm đặc biệt như “"lướt ở độ cao thấp và nhảy vọt quỹ đạo bay”. KCNA khẳng định vụ phóng đã cung cấp "bằng chứng xác minh thỏa đáng về hiệu quả" của hệ thống vũ khí mới, cho thấy khả năng tên lửa đã gần hoàn thiện để triển khai thực chiến.
Trên thực tế, hệ thống radar của Hàn Quốc đã thất bại trong việc phát hiện các bước dịch chuyển trong giai đoạn cuối của hai quả tên lửa. Sĩ quan trên cho rằng vùng xám này là do độ cong của Trái đất cùng với việc Bình Nhưỡng bắn tên lửa về phía Đông Bắc từ vùng ven biển phía Đông khiến khu vực này trở nên rộng hơn. Nếu tên lửa được phóng về phía Nam, radar của Hàn Quốc sẽ theo dõi được chúng.
Theo nhân vật trên, giới chức quân sự nhận định loại tên lửa mới này tương tự như các tên lửa được phóng hồi tháng 5 và các vụ phóng này dường như đều nhằm mục đích thử nghiệm vũ khí mới.
Bình Nhưỡng lần đầu giới thiệu phiên bản Iskander của nước này trong cuộc duyệt binh hồi tháng 2/2018, tuy nhiên không tiến hành phóng thử tên lửa cho đến tận tháng 5 vừa rồi. “Từ vụ phóng đầu tiên hồi tháng 5, Triều Tiên được cho là đã cải thiện tính năng của thứ vũ khí mới”, một nguồn tin quân sự mới tiết lộ song đề nghị giấu tên.
Khi được hỏi liệu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đánh giá vụ phóng mới nhất của Triều Tiên là vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều năm ngoái, trong đó hai bên nhất trí dừng lại mọi hoạt động thù địch lẫn nhau, một quan chức thuộc bộ trên cho biết thỏa thuận này không cấm thử tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Bình Nhưỡng tiến hành phóng toàn bộ các loại tên lửa đạn đạo.