Được chuyên gia đánh giá là có công nghệ vượt trước tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tới 30 năm, nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là USS Gerald R. Ford, chiếc tàu sân bay mới nhất của Mỹ, sẽ được bố trí ở đâu?
Ngày 9/11 vừa qua, hải quân Mỹ đã chính thức hạ thủy tàu sân bay hạt nhân lớp Ford đầu tiên với tên gọi “USS Gerald R. Ford” (CVN-78). Theo Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, “CVN-78 thực sự là một tuyệt đỉnh của công nghệ”.
CVN-78 được hạ thủy hôm 9/11. Ảnh: Internet |
Phát biểu với tờ “Minh báo” của Hong Kong, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế, ông Hoàng Đông, cho biết ngoài thiết kế tàng hình, CVN-78 còn sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới có công suất phát điện lớn hơn thế hệ trước rất nhiều.
Nhờ vậy, CVN-78 vừa có thể giải quyết vấn đề cung cấp điện cho hệ thống vũ khí điện từ vốn rất tiêu hao điện, vừa có thể lưu điện dự phòng để phục vụ cho việc sử dụng các thiết bị quân sự thế hệ mới như vũ khí lade.
So sánh với CVN-78, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lạc hậu ít nhất từ 20 năm đến 30 năm về trang bị vũ khí. Điểm duy nhất có thể so bì là tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị hệ thống radar thế hệ mới nhất, nhưng vẫn kém hơn phiên bản của phía Mỹ.
Ông Hoàng Đông tin rằng CVN-78 sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay cho tàu sân bay USS George Washington (CVN-73), nhưng tình hình hiện nay không còn giống với cuối thế kỷ 20.
Trung Quốc đã có tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D, tạo thành mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Mỹ. Do vậy, quân Mỹ sẽ không dám khinh suất đi vào vùng biển Đài Loan tiến hành thị uy, và sau khi đi vào phục vụ, CVN-78 cũng sẽ không thể giúp quân Mỹ thay đổi tình này.
Cộng thêm việc CVN-78 cần phải có thời gian để hoàn thành cuộc cách mạng về chiến thuật tác chiến biên đội hỗn hợp giữa máy bay không người lái và máy bay có người lái, cho nên, muốn phân biệt rõ ràng thắng bại, ít nhất phải đợi khoảng 10 năm nữa.
Hoàng Linh