Tàu sân bay hạng nhẹ mới của Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Hàng không mẫu hạm hạng nhẹ TCG Anadolu mới nhấn mạnh tham vọng vươn tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Thời báo châu Á mới đây, sàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên TCG Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện một loạt cuộc thử nghiệm trên biển, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chiến lược gia tăng với cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.

Chú thích ảnh
TCG Anadolu tại cảng Sedef Shipyard, Tuzla, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Varank

TCG Anadolu, do Nhà máy đóng tàu Sedef của Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với Navantia của Tây Ban Nha chế tạo và được hạ thủy lần đầu tiên vào tháng trước, được thiết kế như một tàu sân bay cỡ nhỏ và có thể được triển khai ở khu vực Aegean, Biển Đen và Địa Trung Hải, cũng như Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

TCG Anadolu dựa trên nền tảng SPS Juan Carlos I, tàu tấn công đổ bộ đa năng và tàu sân bay của hải quân Tây Ban Nha. Nó kết hợp các tính năng của tàu sân bay và tàu đổ bộ, hay còn được gọi là tàu đổ bộ có sân đỗ trực thăng (LHD). Tàu có chiều dài 232 m và rộng 32 m. Con tàu cũng được thiết kế một khoang rộng 1.400 m2, có thể chứa tàu đổ bộ. 

Tất cả các hệ thống của tàu đều do Aselan và Haveslan chế tạo. TCG Anadolu có hệ thống quản lý tác chiến GENESIS-ADVENT do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và máy bay hạ cánh được hỗ trợ bởi Radar Tiếp cận Chính xác Leonardo SPN-720 của Italy.

Tàu TCG Anadolu được trang bị bao gồm hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx 20mm (CIWS), Tên lửa đối không cỡ nhỏ (RAM) và hệ thống đối phó ngư lôi Aselan Hizir.

Ban đầu con tàu được thiết kế để vận hành phiên bản cất cánh ở khoảng cách ngắn và hạ cánh thẳng đứng của máy bay chiến đấu F-35. Tuy nhiên, vì Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình F-35 vào năm 2019 do mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga, nên nước này hiện có kế hoạch vận hành máy bay tấn công huấn luyện hạng nhẹ Hürjet tự chế tạo của mình cho TCG Anadolu.

Hürjet là loại máy bay một động cơ, một chỗ ngồi với hệ thống điện tử hàng không hiện đại có thể thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu tấn công. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tiến hành một số sửa đổi về thiết kế của Hürjet và TCG Anadolu để phù hợp với các hoạt động trên tàu sân bay hạng nhẹ.

Một số sửa đổi này sẽ là tăng cường khung máy bay của Hürjet để trụ vững do áp lực khi hạ cánh trên tàu sân bay. Ngoài ra, vì TCG Anadolu ban đầu được thiết kế để chứa máy bay cất cánh ở cự ly ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), nên vẫn cần một hệ thống máy phóng để đẩy Hürjet, cùng với một hệ thống móc cho máy bay hạ cánh.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ máy bay sẽ dừng trên boong tàu như thế nào nếu hệ thống móc câu bị trượt, vì sàn đáp của TCG Anadolu quá ngắn để cho phép Hürjet cất cánh lại. 

Con tàu dự kiến ​​cũng có thể chở các loại trực thăng như T129 ATAK được sản xuất trong nước, trực thăng chống ngầm S-70 Seahawk và trực thăng hạng nặng. TCG Anadolu có thể chứa được 14 máy bay trực thăng, tuy nhiên con số này có thể thay đổi tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.

Con tàu cũng được cho là sẽ trang bị máy bay không người lái chiến đấu Bayraktar phiên bản hải quân với động cơ nội địa do TUSAS Engine Industries phát triển. Bayraktar TB-3, vẫn đang trong quá trình chế tạo, được thiết kế để cất cánh và hạ cánh trên các tàu loại LHD bằng cách sử dụng hệ thống con lăn và lưới cứu hộ.

Máy bay không người lái này dự kiến ​​có trọng lượng cất cánh 1.450 kg, thời gian bay hoạt động 24 giờ và cánh có thể gập lại khi đậu trên tàu. TCG Anadolu có sức chứa từ 30 đến 50 máy bay không người lái. 

Một con tàu cùng phiên bản với TCG Anadolu, được đặt tên là TCG Trakiya, cũng đã được lên kế hoạch chế tạo. 

Chương trình tàu sân bay hạng nhẹ của Thổ Nhĩ Kỳ là tiêu biểu cho chương trình hiện đại hóa hải quân toàn diện của nước này. Các tàu chiến lớn khác mà Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch trang bị bao gồm các khinh hạm MILGEM để thay thế các khinh hạm lớp Oliver Hazard đã cũ của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu khu trục TF-2000 và tàu ngầm lớp Reis. 

Vì tàu sân bay là phương tiện hoạt động rất linh hoạt, TCG Anadolu cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sức mạnh hải quân trong khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải.

TCG Anadolu cũng cho thấy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc nâng cao vị thế của mình như một nhân tố quan trọng trong các sứ mệnh đa quốc gia như Lực lượng Đặc biệt Liên hợp (CTF-151) ở châu Phi, Nhóm Tác Chiến Hải quân Thường trực NATO (SNMG2), Lực lượng Lâm thời Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) hoạt động ở Địa Trung Hải và các cuộc tập trận hải quân quốc tế khác. 

Những phát triển này phù hợp với học thuyết "Tổ quốc Xanh" (Blue Homeland) của Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh các lợi ích chiến lược, kinh tế và địa chính trị của nước này trên biển.

Trong học thuyết này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định các tuyên bố lãnh thổ của mình với Hy Lạp, đảm bảo nguồn dự trữ năng lượng đáng kể ở Đông Địa Trung Hải và định vị Thổ Nhĩ Kỳ như một quốc gia hàng hải quan trọng và là trung tâm giữa châu Âu, châu Á và châu Phi. 

Điều này cũng phản ánh tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc khu vực ở Địa Trung Hải, có khả năng bảo vệ lợi ích của mình một cách độc lập và tự coi mình là một cường quốc hàng hải mới nổi. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối áp đặt trừng phạt chống Nga
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối áp đặt trừng phạt chống Nga

Trung Quốc nói rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga có rất ít cơ sở pháp lý, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không đứng về phía nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN