Trao đổi với hãng tin AFP (Pháp), người phát ngôn của lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid nhấn mạnh rằng đây là "bước đi phù hợp và vì lợi ích của người dân hai nước".
Trong khi đó, bình luận về động thái trên của Mỹ, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lại lên tiếng cảnh báo việc Mỹ rút quân sớm khỏi Afghanistan có thể làm phức tạp cho cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.
Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh Đức đặc biệt quan ngại về tác động của việc Mỹ thông báo rút quân đối với tiến trình hòa đàm tại Afghanistan. Theo quan chức này, cuộc hòa đàm này vốn đã đủ phức tạp và cho đến này vẫn chưa hoàn tất, do đó không nên dựng thêm những rào cản mới, như việc rút quân sớm khỏi Afghanistan chắc chắn có thể mang lại.
Bộ trưởng Mass cũng cho hay hiện Chính phủ Đức đang liên lạc với Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như xem xét những hậu quả của việc Mỹ rút quân đối với khoảng 1.200 binh sĩ Đức được triển khai ở Afghanistan trong khuôn khổ sứ mệnh lớn hơn của NATO.
Trước đó một ngày, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller thông báo Tổng thống Donald Trump đã chính thức ra lệnh cho Lầu Năm Góc cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan và Iraq xuống mức thấp nhất trong gần hai thập niên kể từ khi Washington đưa quân vào hai chiến trường này. Theo đó, trước ngày 15/1/2021, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 và quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500.
Quyết định này đã đưa ông Trump tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa cam kết cách đây 4 năm, đó là khép lại những cuộc chiến “bất tận” của Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ làm suy yếu an ninh vốn đã mong manh tại nước này, cũng như gây tổn hại tới hòa đàm nội bộ giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban. Bên cạnh đó, các điều kiện trên thực tế không đảm bảo cho việc rút quân khỏi đây khi Taliban đã không duy trì thỏa thuận với Mỹ về hòa bình ở quốc gia này.