Quân đội Mỹ kéo pháo và vũ khí hạng nặng tới biên giới Iraq - Syria

Theo các nguồn tin tại chỗ, quân đội Mỹ đã đưa một đoàn xe quân sự lớn tới khu vực phía Tây Iraq, giáp biên giới với cửa khẩu al-Tanf của Syria.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại khu vực gần căn cứ quân sự ở Mosul, Iraq. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hãng tin Fars của Iran dẫn các nguồn tin ở tỉnh al-Anbar cho biết đoàn xe của Mỹ gồm nhiều xe quân sự, pháo và vũ khí hạng nặng đã di chuyển tới biên giới phía Tây Iraq. Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, nhiều thiết bị quân sự đã được vận chuyển từ căn cứ Ain al-Assad ở vùng al-Baghdadi tới khu vực al-Tanf bằng đường cao tốc.

Một nguồn tin nhận định, căn cứ tại al-Tanf có tầm quan trọng mang tính chiến lược, giúp Washington "giám sát và ngăn chặn" các cố vấn quân sự Iran.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 10/2, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri khẳng định Tehran sẽ duy trì các cố vấn quân sự tại Iraq và Syria chừng nào những nước này vẫn tiếp tục yêu cầu.

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Baqeri nêu rõ: “Chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện của các cố vấn ở Syria và Iraq chừng nào những quốc gia này muốn. Chúng tôi sẽ rời đi khi họ cảm thấy không cần nữa”.

Ông Baqeri nhấn mạnh, sự hiện diện của Iran hoàn toàn được các nước trong khu vực ủng hộ, không giống như Mỹ.

Trên thực tế, số quân nhân nước ngoài tại Iraq đã giảm 25% trong năm 2018. Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi cho biết trong tháng 1/2018, tại Iraq có gần 11.000 binh lính nước ngoài, 70% trong số này là binh sĩ Mỹ. Đến tháng 12/2018, con số này giảm xuống còn khoảng 8.000 binh sĩ, trong số này có khoảng 6.000 binh lính Mỹ.

Theo Thủ tướng Iraq, chỉ hơn 12 tháng sau khi chính phủ nước này tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, việc binh lính nước ngoài rút khỏi càng được đẩy mạnh, đặc biệt trong những tháng gần đây. Tính riêng trong hai tháng vừa qua, 1.000 binh sĩ nước ngoài đã rời Iraq.

Số binh sĩ Mỹ tại Iraq có thời điểm lên tới gần 170.000 người trong thời gian diễn cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Al-Qaeda và một số nhóm phiến quân nổi dậy khác tại nước này. Hồi năm 2011, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh tại Iraq kéo dài gần 9 năm bằng việc rút toàn bộ quân khỏi quốc gia vùng Vịnh. Tuy nhiên, đến năm 2014, Mỹ đã buộc phải triển khai quân trở lại như một phần trong liên minh quốc tế chống IS do nước này dẫn đầu.

Phương Hồ (TTXVN)
Quân đội Mỹ học cách vận hành lựu pháo Liên Xô
Quân đội Mỹ học cách vận hành lựu pháo Liên Xô

Quân đội Mỹ vốn nổi tiếng vì sở hữu những vũ khí tối tân nhất thế giới nhưng hiện lại tập trung học tập cách vận hành lựu pháo D-30 của Liên Xô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN