Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ quân đội Chính phủ Syria đã kiểm soát toàn bộ thành phố Manbij và các khu định cư lân cận. Việc triển khai quân nói trên được tiến hành sau khi Damascus và chính quyền người Kurd đạt thỏa thuận tương hỗ.
Hãng tin RIA dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ lực lượng quân cảnh nước này đang tuần tra đường tiếp xúc giữa các lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc quốc gia Trung Đông này.
Về phần mình, người phát ngôn của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Syria xác nhận lực lượng này đang tiến hành rút khỏi Đông Bắc Syria và đã rút toàn bộ binh sĩ khỏi thành phố Manbij.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành từ ngày 9/10 vừa qua, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria.
Chiến dịch này là một phần trong mục tiêu dài hạn của Ankara nhằm xóa bỏ sự hiện diện của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và lực lượng người Kurd ở Syria, tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria, cho rằng chiến dịch này làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định và an ninh của khu vực.
Sau cuộc họp ở Luxembourg, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ càng gây thêm khó khăn cho tiến trình chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) đứng đầu nhằm đạt được hòa bình ở Syria. EU nêu rõ những nỗ lực liên tiếp của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, để chấm dứt hành động quân sự đơn phương này là vô cùng cần thiết.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Eduard Philippe cảnh báo sự trỗi dậy của IS tại Đông Bắc Syria và Tây Bắc Iraq là không thể tránh khỏi sau các quyết định rút quân của Mỹ và triển khai tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nguồn tin ngoại giao, HĐBA LHQ sẽ nhóm họp vào ngày 16/10 về thảo luận chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Cuộc họp này do các nước thành viên châu Âu trong HĐBA đề xuất.
Trước đó, trong phiên họp đầu tiên vào ngày 10/10 vừa qua, chỉ có các thành viên châu Âu trong HĐBA LHQ là ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.