Căn cứ có vị trí chiến lược này dường như đã sẵn sàng đủ sức tiếp nhận các tàu chiến cỡ lớn, có thể là cả tàu sân bay. Nó có một đặc điểm rất thú vị: Là pháo đài hiện đại được xây dựng từ đầu.
Từ mép một cảng hàng hóa trên đường vào Biển Đỏ ở phía nam, bằng mắt thường có thể nhận ra một bức tường cao vút: Đó là căn cứ điểm quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Nhìn từ xa, chỉ có thể thấy các khối nhà màu xám với cấu trúc mái đặc trưng kiểu châu Á. Nhưng bên trong, đó là cả một công trình kiên cố, nhiều lớp bảo vệ.
Căn cứ được thiết kế với khả năng phòng ngự tốt ngay cả khi rơi vào vùng chiến sự. Hệ thống tường bao được xây dựng từ đầu năm 2016 và hoàn tất vào mùa xuân năm 2017. Mọi cấu trúc bên trong bắt đầu được xây dựng, hoàn thiện từ đó. Ẩn sau các khu nhà doanh trại là một mạng lưới công trình ngầm, được kết nối bằng đường hầm. Khu vực này có đủ chỗ để tiếp nhận 10.000 binh sĩ Trung Quốc.
Việc ra vào khu liên hợp quân sự rộng 36 hecta này được kiểm soát chặt chẽ. Nếu đi bằng đường bộ, cách duy nhất là tuân thủ lộ trình sau: Dừng lại ở con đường bên ngoài căn cứ, đi qua một cửa gác tự động. Quay 90 độ, giải pháp để buộc phương tiện giảm tốc độ, du khách sẽ vượt qua hai điểm kiểm tra phương tiện, đi vào một đường nhánh vòng vèo rồi mới tới được cửa chính. Cửa được trang bị rào chắn điện tử tự động và các tấm cản bê tông cỡ lớn.
Tiếp theo lộ trình phức tạp trên sẽ là nhiều lớp phòng ngự khác. Đầu tiên là hàng rào vành đai phân chia con đường công với đường nội bộ của căn cứ, được thiết kế kiên cố, bề ngang lên đến 8-9m. Kế đến là một hàng rào dây thép gai cao, được thiết kế giống kiểu hàng rào “Hesco” có thép gai trên đỉnh. Hàng rào Hesco được bố trí đi đi kèm với các túi cát, thường được quân đội các nước phương Tây sử dụng tại Afghanistan và Iraq để kiên cố hóa các căn cứ quân sự.
Phòng ngự quy mô được bố trí trên tất cả các hướng, dù mức độ ưu tiên tập trung khác nhau. Nếu tiến vào từ hướng biển, phải cần qua một loạt các rào an ninh và các bốt gác. Bên trong căn cứ cũng đặt một số cứ điểm phòng ngự khác.
Trung Quốc bỏ 20 triệu USD/năm để thuê cứ điểm này. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy căn cứ có cả bãi đỗ trực thăng, thiết bị bay không người lái, cơ sở sửa chữa tàu thương mại và tàu quân sự, kho chứa vũ khí. Theo Ibrahim Ahmed Djama, quan chức tại Khu thương mại tự do quốc tế và cảng Djibouti (DPFZA), căn cứ của Trung Quốc thực sự là một “pháo đài”.
Khi xuất hiện cuộc tấn công nhằm vào căn cứ, binh sĩ hải quân đánh bộ sẽ ra tay đáp trả. Những phương tiện vũ khí quan sát được trong căn cứ gồm có xe thiết giáp bộ binh ZBD-09 và thiết giáp chở quân ZTL-11. Hai loại này được trang bị súng máy tự động, tên lửa chống tăng và súng cỡ nòng lớn.
Ngoài Trung Quốc, rất nhiều nước khác đang duy trì hiện diện quân sự ở Djibouti.
Đây quả thực là một “Casablanca mới”, thỏi nam châm hút hoạt động thám quốc tế cùng những tính toán khác. Djibouti có lẽ là điểm có mật độ tập trung các căn cứ quân sự trong một phạm vi không gian cao nhất thế thế giới. Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy đều có hiện diện quân sự ở đây.
Cách căn cứ của Trung Quốc 12km là cứ điểm Camp Lemonnier của Mỹ, khai trương năm 2003 và hiện là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi, với 4.500 lính đồn trú. Bắc Kinh từ lâu phàn nàn Lầu Năm góc sử dụng căn cứ này để do thám tình báo đối với Trung Quốc.
Vậy mức độ kiên cố mà Trung Quốc áp đặt tại căn cứ ở Djibouti nhằm mục đích gì? Rõ ràng, kiểu phòng thủ này không trụ vững trước một cuộc tấn công của đối phương có sức mạnh hiện đại. Vì thế, dường như nó chỉ tập trung vào mối đe dọa nổi dậy và công nghệ thấp bản địa.