Phác họa về tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có thể bố trí ở Biển Đông

Bức ảnh mới rò rỉ là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách phát triển một tàu sân bay hiện đại, nhiều khả năng là tàu sân bay hạt nhân sở hữu các hệ thống phóng máy bay chiến đấu hạng nặng.

Mô hình máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm xuất hiện trên khu đất mô phỏng boong tàu sân bay trong bức ảnh mới rò rỉ.

Theo trang phân tích quân sự Janes, hình ảnh mới xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy mô hình kích thước thật của một chiếc máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm (AEW&C) thuộc hải quân Trung Quốc đang đậu trên khu đất được khoanh rào giả tưởng như là boong tàu sân bay.
 
Hình ảnh này càng củng cố những đồn đoán râm ran từ năm ngoái rằng hải quân Trung Quốc có thể đang trong quá trình trang bị cho tàu sân bay tương lai với loại máy bay AEW&C nói trên.

Trong bức ảnh bị rò rỉ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc từ hôm 26/1, có thể thấy rõ mẫu máy bay trông giống chiếc Northrop Grumman E-2 Hawkeye AEW&C của Mỹ, đậu tại một địa điểm gần thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Quan trọng hơn thế, bức ảnh là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách phát triển một tàu sân bay hiện đại loại CATOBAR (Catapult Assisted Take-Off But Arrested Recovery).

Lý do đằng sau phán đoán này là một chiếc E-2 Hawkeye sẽ cần hệ thống phóng máy bay, do đó sẽ không thể hoạt động được từ một tàu sân bay không có máy phóng (loại STOBAR - Short Take-Off, Barrier Assisted Recovery)

Vì vậy, nếu tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc là loại CATOBAR, thì nhiều khả năng sẽ là một tàu sân bay hạt nhân, hiện đại giống như các tàu sân bay lớp Ford hay Nimitz của Mỹ.

Các tàu sân bay loại CATOBAR của Mỹ được lắp đặt 4 hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước, có khả năng trong vòng 2,5s đẩy máy bay có trọng tải cất cánh 35 tấn đạt tốc độ đến 300km/h.

Hệ thống phóng hiện đại phổ biến hiện nay sử dụng piston hơi để cung cấp sức đẩy. Trong ảnh là hệ thống phóng hoạt động trên một tàu sân bay Mỹ.

Các hệ thống phóng máy bay khiến tàu sân bay hỗ trợ được nhiều chiến đấu cơ cất cánh cùng lúc, kể cả các loại máy bay hạng nặng.

Trong khi đó tàu loại STOBAR (Short Take-Off, Barrier Assisted Recovery) có phần mũi vểnh lên phía trên để hỗ trợ cho máy bay cất cánh, trong khi hạ cánh thì máy bay cũng được giúp sức bằng hệ thống bắt và hãm máy bay. Kiểu tàu sân bay này sử dụng các công nghệ đơn giản và dễ vận hành hơn tàu CATOBAR, nhưng nó chỉ hỗ trợ được cho các máy bay chiến đấu hạng nhẹ.

Từ tháng 8 năm ngoái đã xuất hiện một số hình ảnh cho thấy mô hình tàu sân bay trên mặt đất, bị nghi là mô hình của tàu sân bay thứ ba do Trung Quốc tự chế tạo, thường được nhắc đến với tên Lớp 002. Tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” từng cho hay, chiếc tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có thể được đặt tên là Quảng Đông và sẽ đóng ở Biển Đông.    

Một nguồn tin mà tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) trích dẫn thì phán đoán công nghệ chế tạo chiếc tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc có thể có bước đột phá. Theo nguồn tin này, chiếc tàu sân bay thứ 2 sớm nhất sẽ hạ thủy trong nửa cuối năm nay, và tới năm 2020, Trung Quốc sẽ có 3 tàu sân bay.

Quân đội Trung Quốc hiện cũng đang phát triển chương trình máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm AEW&C. Việc phát triển máy bay AEW&C hoạt động trên tàu sân bay có thể cho phép các tàu sân bay tương lai của nước này hoạt động ở tầm rộng hơn.

Thu Hằng
Truyền thông Trung Quốc 'khoe' tàu sân bay thứ hai đã định hình
Truyền thông Trung Quốc 'khoe' tàu sân bay thứ hai đã định hình

Ngày 30/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng tàu sân bay thứ hai của nước này “đã định hình” sau 2 năm và 9 tháng ròng rã thi công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN