Những vấn đề chiến thuật quân sự rút ra từ việc Ukraine mất thành phố Vuhledar

Việc mất quyền kiểm soát Vuhledar là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp, từ sự tàn phá của xung đột, thay đổi chiến thuật của quân Nga, đến sự thiếu hụt lực lượng và nguồn lực của Ukraine.

Chú thích ảnh
Sau hai năm phòng thủ kiên cường, quân đội Ukraine đã buộc phải rút lui khỏi thành phố Vuhledar do áp lực quân sự và chiến thuật từ phía Nga. Ảnh: Sputnik

Theo tờ Kiev Post (Ukraine) ngày 12/10, sau hai năm phòng thủ kiên cường, thành phố khai thác mỏ Vuhledar đã nằm trong quyền quyền kiểm soát của quân đội Nga đầu tháng này. Dù quân đội Ukraine đã nỗ lực duy trì phòng thủ, nhưng sự khắc nghiệt của cuộc chiến, kết hợp với nhiều yếu tố chiến thuật và hậu cần, đã buộc họ phải rút lui. Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc quân đội Ukraine mất kiểm soát thành phố Vuhledar.

Thứ nhất, sự tàn phá và nguy cơ bị bao vây. Vuhledar, nằm ở phía Đông Nam Ukraine, vùng Donetsk, đã bị giao tranh tàn phá nặng nề, với cơ sở hạ tầng gần như hoàn toàn bị phá hủy. Trước khi cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine nổ ra, thành phố từng là một trung tâm khai thác than, nhưng đã suy thoái dần sau khi Liên Xô sụp đổ. Đến năm 2022, Vuhledar trở thành mục tiêu chiến lược trong cuộc xung đột bởi vị trí quan trọng của nó gần tuyến đường sắt Donetsk-Volnovakha-Melitopol, một tuyến giao thông huyết mạch nối Donbas với miền Nam Ukraine.

Vào cuối tháng 9/2023, quân đội Nga đã tiến sát đến thành phố, gây sức ép lớn đối với quân phòng thủ Ukraine. Nguy cơ bị bao vây càng trở nên nghiêm trọng khi lực lượng Nga chiếm được các khu định cư xung quanh Vuhledar, bao gồm Prechystivka và Vodiane. Điều này khiến quân đội Ukraine bị cắt đứt khỏi các tuyến đường tiếp tế quan trọng, và cuối cùng buộc họ phải rút lui vào ngày 2/10.

Thứ hai, thay đổi chiến thuật của quân đội Nga. Một trong những yếu tố quan trọng khiến Ukraine mất Vuhledar là sự thay đổi trong chiến thuật của quân đội Nga. Ban đầu, lực lượng Nga đã chịu tổn thất khi nỗ lực tấn công vào mùa Đông năm 2022-2023. Tuy nhiên, họ đã học từ những sai lầm của mình và điều chỉnh chiến lược, đặc biệt là việc sử dụng bộ binh thay vì phụ thuộc nhiều vào xe tăng và thiết bị hạng nặng.

Theo nguồn tin từ Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 72 của Ukraine, quân Nga sử dụng chiến thuật điều động xe chiến đấu bộ binh theo khoảng cách 200 mét và sau đó triển khai các nhóm nhỏ bộ binh đào công sự sau khi xe bị phá hủy. Chiến lược này khiến quân phòng thủ Ukraine gặp khó khăn trong việc ngăn chặn, khi quân Nga có thể tiến dần từng chút một mà không bị tiêu diệt hoàn toàn. Dù tổn thất của Nga tương đối, họ vẫn có nguồn lực đủ để tiếp tục chiến đấu.

Thứ ba, thiếu quân tiếp viện và nguồn lực. Một trong những nguyên nhân chính khiến Ukraine không thể giữ Vuhledar là thiếu quân tiếp viện. Các sĩ quan thuộc Lữ đoàn 72 đã nhiều lần báo cáo rằng không có đủ lực lượng để duy trì phòng thủ, đặc biệt khi tuyến phòng thủ đã bị suy yếu và không có quân giữ vững các vị trí chiến lược.

Sự thiếu hụt này càng trở nên trầm trọng khi một phần của Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ 123, được gửi đến để tăng cường phòng thủ, có hiện tượng đào ngũ. Điều này làm giảm tinh thần chiến đấu của các lực lượng còn lại và khiến các vị trí phòng thủ nhanh chóng sụp đổ.

Thứ tư, ưu thế của không quân Nga. Trong khi quân đội Ukraine cố gắng duy trì phòng thủ, không quân Nga đã triển khai bom dẫn đường và phá hủy các vị trí quan trọng của Ukraine. Vuhledar nằm trong vùng thảo nguyên rộng lớn, nơi mọi hoạt động di chuyển đều dễ dàng bị phát hiện từ trên không. Quân Nga đã tận dụng ưu thế này để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Ukraine, gây ra tổn thất lớn và làm suy yếu khả năng phòng thủ.

Thứ năm, sự chậm trễ trong việc ra lệnh rút quân. Mặc dù tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, lệnh rút quân từ Kiev dường như không được ban hành kịp thời. Theo lời kể của một người lính thuộc Lữ đoàn 72, quân đội Ukraine đã phải tự rút lui khi biết rằng không còn khả năng giữ được thành phố. Dù đã có những thảo luận về việc rút quân hoặc luân chuyển lực lượng, thực tế là quân đội Ukraine thiếu dự phòng và không đủ lực lượng để duy trì cuộc chiến ở Vuhledar.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo kyivpost.com)
Kế hoạch hội nhập của EU với Ukraine không bao gồm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát
Kế hoạch hội nhập của EU với Ukraine không bao gồm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát

Mặc dù Ukraine hiện chưa phải là thành viên của EU hay NATO, Brussels đã làm việc không ngừng trong nhiều năm để phát triển các khu vực trọng điểm cho sự mở rộng EU trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN