Do cuộc xung đột ở Ukraine, Nga mắc kẹt giữa lệnh trừng phạt và tham vọng hiện đại hóa quân sự. Ảnh: TASS
Bình luận trên trang web của Viện nghiên cứu chính sách Chatham House (chathamhouse.org) mới đây, ông Mathieu Boulègue, nghiên cứu viên về Chương trình Nga và Âu-Á của Viện này nhận định, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn và gánh nặng của các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng gia tăng, ngành công nghiệp quân sự Nga (OPK) đang phải đối mặt với một thách thức kép: vừa duy trì năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu chiến trường, vừa hiện đại hóa để bắt kịp với tiến bộ công nghệ toàn cầu.
Những áp lực này đã phơi bày và làm trầm trọng thêm những thách thức vốn có trong nền tảng công nghiệp quân sự của Nga. Thay vì tạo ra các hệ thống thực sự mới và tiên tiến, Nga đang phải dựa vào di sản công nghệ từ thời Liên Xô và phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên thứ ba để thay thế các linh kiện thiết yếu do phương Tây sản xuất.
Mặc dù chi tiêu quân sự của Nga đạt mức kỷ lục, nhưng nghiên cứu chuyên sâu cho thấy tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang gặp khó khăn. Sản xuất có thể sẽ phải được đơn giản hóa và chậm lại trong những năm tới, trong khi Nga buộc phải chấp nhận tình trạng "đình trệ đổi mới" trong nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Những vấn đề này, mặc dù không phải là không thể vượt qua, nhưng đủ để khiến Nga chỉ có thể sản xuất các hệ thống "đủ tốt" để duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, "đủ tốt" để duy trì cuộc chiến không đồng nghĩa với việc có thể theo kịp những tiến bộ công nghệ quân sự vượt bậc của phương Tây (và Trung Quốc) trong dài hạn.
Về tài chính, vốn đầu tư từ nhà nước còn thiếu và đầu tư trực tiếp nước ngoài bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt. Tình trạng này đã dẫn đến một hình thức "trì trệ dần dần" trong khả năng sản xuất phần cứng tiên tiến và sự suy giảm chất lượng đầu ra của ngành công nghiệp. Ngành nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo quân sự của Nga đang trong tình trạng "khoa học suy thoái" – một cụm từ ám chỉ sự suy giảm liên tục về chất lượng và số lượng khoa học quân sự được thực hiện ở Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Tình trạng này có nguyên nhân từ sự thiếu hụt các nhà khoa học và kỹ sư trẻ có trình độ, cùng với sự di cư liên tục của những cá nhân có năng lực.
Vị thế của Nga trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu đã giảm dần từ năm 2017, với việc nước này xếp hạng 59/133 quốc gia vào năm 2024. Số lượng bằng sáng chế R&D liên quan đến quân sự và các ấn phẩm khoa học cũng đã giảm mạnh.
Thách thức trong các lĩnh vực trọng điểm
Ngay cả trong các lĩnh vực được ưu tiên, Nga vẫn đối mặt với những thách thức nhất định: Về công nghệ vũ trụ: Nga tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sự đổ vỡ hợp tác không gian với phương Tây. Các lệnh trừng phạt hạn chế khả năng tiếp cận các thành phần và thiết bị cấp vũ trụ, đặc biệt là thiết bị điện tử và hệ thống hình ảnh. Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos có thể sẽ buộc phải kéo dài tuổi thọ của các nền tảng vũ trụ hiện có hoặc chế tạo các vệ tinh mới đơn giản hơn với vòng đời ngắn hơn.
Về robot quân sự và hệ thống tự động: Dù đã đạt được tiến bộ trong công nghệ không người lái và robot quân sự, việc Nga tập trung vào việc robot hóa lực lượng vũ trang thay vì là tự động hóa thực sự thông qua các hệ thống hỗ trợ AI. Các hệ thống hiện tại vẫn được điều khiển từ xa bởi người vận hành, đòi hỏi một bước nhảy vọt về công nghệ mà Nga sẽ gặp khó để thực hiện được trong điều kiện hiện tại.
Về hệ thống hỗ trợ AI: Hoạt động R&D quân sự tập trung vào việc phát triển các giải pháp hỗ trợ AI trong chiến tranh điện tử, robot, hệ thống không người lái, chỉ huy và kiểm soát, và chiến tranh mạng. Tuy nhiên, những mục tiêu này bị cản trở bởi tác động của các lệnh trừng phạt, như thiếu hụt vi điện tử, chất bán dẫn, và các chuyên gia công nghệ thông tin.
Chuyên gia Boulègue kết luận: Trong bối cảnh này ngành công nghiệp quân sự Nga vẫn chưa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh về mặt đổi mới quân sự. Tuy nhiên, khả năng của ngành công nghiệp quân sự Nga trong việc đưa các thiết kế của mình lên cấp độ sản xuất hàng loạt và đạt được trình độ hiện đại công nghệ thực sự cho lực lượng vũ trang Nga vẫn còn đang bị nghi ngờ. Các mối quan hệ đối tác bên ngoài khó có thể giải quyết được các vấn đề mang tính hệ thống của ngành công nghiệp quân sự Nga. Do đó, Nga có thể sẽ phải tự mình thu hẹp khoảng cách công nghệ và xem xét lại cách tiếp cận nguồn nhân lực để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động R&D quân sự trong tương lai.