Nhật Bản nâng cấp hệ thống phòng không

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán cho Nhật Bản 56 tên lửa không đối không tầm trung tân tiến AIM 120C-7 (AMRAAM) trị giá 113 triệu USD.

Tuyên bố ngày 4/10 của Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) nêu rõ với thương vụ mua bán vũ khí này, khả năng phòng không của Nhật Bản sẽ được cải thiện đáng kể. 

Ngoài số tên lửa nói trên, thương vụ này cũng bao gồm các trang thiết bị hỗ trợ, phụ tùng và các dịch vụ hỗ trợ hậu cần, công nghệ, kỹ thuật của nhà thầu và Chính phủ Mỹ. 

Trang web của tập đoàn Raytheon Missile Systems cho biết AMRAAM là loại tên lửa không đối không hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được trang bị cho các lực lượng Không quân, Hải quân Mỹ và 37 nước khác.

Trong khi đó, liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên, ngày 5/10, trang mạng 38 North của Mỹ chuyên theo dõi vấn đề Triều Tiên cho biết trên lý thuyết, một vụ tấn công hạt nhân của nước này nhằm vào hai nước láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản có thể khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và 7,7 triệu người khác bị thương. 

Dự đoán này đưa ra với giả định Triều Tiên sẽ phóng toàn bộ kho vũ khí gồm 25 vũ khí hạt nhân nhằm vào Seoul và Tokyo. Sức công phá của các đầu đạn hạt nhân theo tính toán nằm trong khoảng 15 - 250 kiloton.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, tiếp sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng và việc Mỹ đe dọa sử dụng vũ lực. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã "lời qua tiếng lại", khiến dư luận dấy lên lo ngại về việc xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo vốn chưa bao giờ hết nóng này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/10, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cũng cho rằng kho vũ khí hóa học của Bình Nhưỡng là “mối lo ngại đối với hòa bình và ổn định” trên Bán đảo Triều Tiên cũng như toàn thế giới. 

Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu ước tính Triều Tiên có khoảng 3.000 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học. 

Mặc dù Triều Tiên luôn khẳng định nước này không có vũ khí hóa học, tuy nhiên tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa hạt nhân (có trụ sở tại Mỹ) cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại chất độc nguy hiểm như sarin hay VX. 

Theo ông Uzumcu, các nước cần phải tăng cường gây sức ép, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hóa học của nước này.

 Giám đốc OPCW cho biết hiện Triều Tiên vẫn chưa trả lời những lá thư do ông và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gửi đến, cũng như không muốn gặp gỡ để thảo luận về vấn đề vũ khí hóa học.


TTXVN/Báo Tin Tức
Mỹ lần đầu tiên đưa hệ thống phòng không Patriot tới gần biên giới Nga
Mỹ lần đầu tiên đưa hệ thống phòng không Patriot tới gần biên giới Nga

Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Litva để tham gia một cuộc tập trận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN