Theo báo Nhật Bản Yomiuri, chính phủ nước này đang trong những giai đoạn cuối cùng để đạt được một thỏa thuận mua tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất. Thông tin này được tiết lộ chỉ vài ngày sau khi Tokyo hoàn thành một thương vụ trị giá hàng triệu USD mua tên lửa tầm ngắn của Mỹ.
Dẫn nguồn tin giấu tên của chính phủ, báo Yomiuri cho hay Washington đã chấp nhận lời đề nghị này và hai bên đang tiến tới những điều chỉnh cuối cùng để đạt được thỏa thuận.
Tokyo hiện sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia để tập trung nhiều hơn vào “khả năng phản công nhằm phá hủy các căn cứ phóng tên lửa của đối phương với mục đích tự vệ”. Báo Yomiuri chỉ ra tên lửa Tomahawk có thể phục vụ mục đích này. Các nguồn tin cũng cho hay bệ phóng trên một số tàu chiến có thể được nâng cấp để phù hợp với tên lửa Tomahawk, vốn dĩ được thiết kế để bắn từ tàu hải quân.
Theo trang The Diplomat, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) định nghĩa “năng lực phản công” là khả năng các lực lượng nước này tấn công các hệ thống kiểm soát, bộ chỉ huy và căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một điểm rất khác so với chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ của Nhật Bản, vốn được qui định trong Hiến pháp Hòa bình thời hậu Thế chiến 2 của quốc gia Đông Á này.
Khi được hỏi về thông tin trên, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno từ chối cung cấp chi tiết và chỉ nói: “Chính phủ đang xem xét các khả năng phản công nhưng chưa có quyết định cụ thể nào”.
Đầu tháng 10, Tokyo đã đạt được thỏa thuận mua 32 tên lửa SM-6 Block I từ Mỹ với giá trị ước tính khoảng 450 triệu USD. Là một sản phẩm của Raytheon, loại tên lửa này có tầm bắn chỉ 240 km, thấp hơn rất nhiều so với Tomahawk và được thiết kế để nhắm mục tiêu trên không, bao gồm trực thăng, máy bay phản lực, máy bay không người lái và tên lửa. Thương vụ đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua.