Nga thử thành công tên lửa động cơ hạt nhân, tầm bắn không giới hạn

Hãng thông tấn TASS ngày 17/2 đưa tin Nga đã thử thành công động cơ năng lượng hạt nhân cho tên lửa hành trình cận âm mới 9M730 Burevestnik.

Chú thích ảnh
Một nguyên mẫu tên lửa 9M730 Burevestnik. Ảnh: The Mirror

TASS dẫn nguồn tin từ một nhà thầu quốc phòng cho biết với thành công trên, tên lửa hành trình 9M730 Burevestnik (SSC-X-9 Skyfall theo định danh của NATO) trên thực tế sẽ không bị giới hạn về tầm bắn.

Nguồn tin này nêu rõ: “Hồi 1 vừa qua, tại một trong những bãi thử tên lửa, giai đoạn thử nghiệm quan trọng nhất của hệ thống tên lửa cận âm 9M730 Burevestnik đã diễn ra thành công. Đó là một vụ thử động cơ năng lượng hạt nhân”, đồng thời khẳng định vụ thử đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đề ra để khiến tên lửa đạt được tầm bắn không giới hạn và có thể đánh bại mọi hệ thống phòng không.

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ký năm 1972, Nga đã bắt tay nghiên cứu phát triển tên lửa Burevestnik vào năm 2011. Mùa Xuân 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài Thông điệp Liên bang thường niên đã tuyên bố rằng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp tên lửa Burevestnik có tầm bay gần như không giới hạn và có thể bay ở tầm thấp nhờ hệ thống dẫn đường ưu việt.  

Theo hãng tin CNBC, tên lửa 9M730 Burevestnik sử dụng động cơ hạt nhân đã có một số vụ thử không thành công trong giai đoạn từ tháng 11/2017-2/2018.

Quân đội Nga không chính thức xác nhân thông tin nêu trên, đồng thời cũng không rõ thời gian và địa điểm chính xác tiến hành vụ thử này. Đoạn video do nhóm nghiên cứu phát triển công bố trước đó cho thấy động cơ, tất cả đều được sơn màu trắng, được thử nghiệm cẩn thật như thế nào tại một địa điểm không tiết lộ.

Tuần qua, trang Popular Mechanics cho biết nếu loại tên lửa tối tân 9M730 Burevestnik chính thức được trang bị, quân đội Nga “có thể tên lửa từ lục địa châu Á, điều khiển vũ khí này bay qua Thái Bình Dương, bay vòng qua Nam Mỹ và xuyên qua không phận Mỹ từ Vịnh Mexico”.

Căn cứ theo thông số kỹ thuật và thiết kế, 9M730 Burevestnik có nhiều điểm tương đồng với tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk mà Mỹ trang bị cho Hải quân nước này, ngoại trừ tính năng về tầm bắn.

Ngoài thành công với tên lửa 9M730 Burevestnik, mùa Hè 2019, Nga cũng sẽ tiến hành thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon. Dự án này cũng được cho là đã thử thành công động cơ năng lượng hạt nhân.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 5/2 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nước này trong 2 năm tới phải tăng tầm bắn của các loại tên lửa đang được phát triển và chế tạo các hệ thống phóng tên lửa mặt đất và các tên lửa siêu thanh tầm xa.

Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hai hệ thống phóng tên lửa từ mặt đất mới. Theo ông, trong năm 2019 và 2020, Nga cần chế tạo xong hệ thống Kalibr phóng từ mặt đất được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, phiên bản của hệ thống Kalibr phóng trên biển, cũng như chế tạo hệ thống phóng tên lửa mặt đất với tên lửa siêu thanh tầm xa. Các hệ thống này cần phải được sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng giao nhiệm vụ tăng tối đa tầm bắn của các tên lửa phóng từ mặt đất đang được phát triển. Theo ông Shoigu, kể từ ngày 2/2 Mỹ đã ngừng thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cùng thời điểm đó, Washington đã nỗ lực nhằm tạo ra tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 500 km, vượt quy định của INF. Do đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đưa ra các biện pháp đối phó.

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”.

Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là ngày 2/2 vừa qua. Trong khi đó, Nga khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Mỹ bí mật điều trực thăng chở hơn 40 tấn vàng của IS đi đâu
Mỹ bí mật điều trực thăng chở hơn 40 tấn vàng của IS đi đâu

Tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh và cả thế giới “ngã ngửa” với quyết định bất ngờ rút hết quân khỏi Syria với lý do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại. Phải chăng Washington đang hiện thực hóa tuyên bố này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN