Tổng thống Vladimir Putin đã ký đạo luật phê chuẩn thỏa thuận giữa Nga và Syria về việc mở rộng cơ sở hải quân. Ảnh: AFP/TTXVN |
Văn kiện này, vốn được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga lần lượt thông qua vào các ngày 21 và 26/12, đã được công bố trên trang web của cổng thông tin pháp luật chính thức.
Theo văn kiện này, các tàu của Nga, bao gồm tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân, sẽ được phép đi vào các vùng lãnh hải và cảng biển của Syria. Hải quân Nga sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng của căn cứ này miễn phí trong 49 năm. Thỏa thuận này có thể được kéo dài nếu 2 bên nhất trí. Nhân viên và các thủy thủ sẽ do phía Nga quản lý. Dự kiến, Moskva sẽ triển khai tới 11 tàu chiến tới căn cứ này, trong đó có các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các đại diện của chính quyền Syria sẽ không được tới thăm căn cứ này mà không có sự cho phép của chỉ huy căn cứ. Ngoài ra, các phương tiện vận tải, tàu thuyền và máy bay của Nga tại căn cứ Tartus sẽ được miễn các hoạt động điều tra, lục soát, trưng thu, bắt giữ và các hành động cưỡng chế khác. Tài sản của căn cứ là bất khả xâm phạm.
Chủ tịch Ủy ban An ninh và quốc phòng của Thượng viện Nga đồng thời từng là Tư lệnh Các lực lượng hàng không vũ trụ Nga Viktor Vondarev khẳng định cả Moskva và Damascus sẽ được lợi từ căn cứ Tartus. Theo ông, căn cứ này sẽ giúp đảm bảo an ninh trong khu vực, đáp ứng các lợi ích của Syria và các quốc gia khác ở Trung Đông, đồng thời củng cố vị thế của Nga tại Địa Trung Hải.
Chiến dịch không kích của Nga tại Syria, bắt đầu từ tháng 9/2015, trong đó nhiều tàu chiến của Nga đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ cho các chiến dịch không kích nhằm yểm trợ cho các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sự can dự của Nga đã giúp "lật ngược thế cờ" trong cuộc chiến Syria theo hướng có lợi cho ông al-Assad, một đồng minh của Moskva tại Trung Đông. Trong một chuyến thăm bất ngờ tới Syria hồi tuần trước, Tổng thống Putin đã ra lệnh rút một phần quân khỏi Syria, song tuyên bố Nga vẫn sẽ duy trì hiện diện quân sự tại đây.