Theo đài Sputnik, trước đó cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ triển khai tên lửa đạn đạo tại châu Âu nếu thấy cần thiết trong việc ngăn chặn Moskva.
“Những động thái đó đe dọa sự ổn định an ninh toàn cầu và khu vực, cũng như dẫn tới nguy cơ đối đầu gia tăng”, Đại sứ Antonov cho hay.
Nhà ngoại giao trích lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien trước đó thông báo Mỹ sẽ triển khai tên lửa siêu thanh đang phát triển và hệ thống chuyển giao tên lửa đạn đạo tới châu Âu trong trường hợp thấy cần thiết.
“Chúng tôi tin rằng nhà chức trách đó không có cơ sở để kết luận tình hình bây giờ tương tự với lúc xảy ra khủng hoảng tên lửa tại châu Âu vào đầu những năm 1980. Nếu như Washington thực sự quan tâm tới việc ‘kiểm soát vũ khí’, thì họ không cần tăng tốc chạy đua vũ trang tên lửa ở châu Âu”, Đại sứ Antonov nhấn mạnh.
Theo quan chức ngoại giao này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một “phương án thay thế mang tính chất xây dựng” cho Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trước nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới.
Đại sứ Antonnov nói thêm Nga sẵn sàng nỗ lực cùng các đối tác nước ngoài để ngăn chặn chạy đua vũ trang tên lửa mới ở châu Âu và các khu vực khác.
Năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF với Nga. Theo quy định trong hiệp ước này, hai bên cam kết loại bỏ tất cả các tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất có phạm vi hoạt động trong khoảng 500 đến 5.500 km.