Tuyên bố của Điện Kremlin nêu cụ thể một số đề xuất giảm căng thẳng, như cho phép Nga kiểm tra hệ thống tên lửa Agis của Mỹ tại châu Âu, trong khi Washington sẽ kiểm tra hệ thống tên lửa 9M729 của Nga tại các cơ sở ởKaliningrad. Tuyên bố của Điện Kremlin đăng tải trực tuyến nêu rõ đề xuất của Nga bao gồm các biện pháp hai bên kiểm chứng lẫn nhau để xóa bỏ những nghi ngại hiện có.
Năm 2019, Mỹ đã rút khỏi INF, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva, với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, trong khi Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng. Việc Mỹ chính thức rút khỏi INF kéo theo việc Nga cũng đình chỉ hiệp ước này. Moskva cáo buộc Mỹ “phạm sai lầm nghiêm trọng” khi quay lưng lại với INF và chỉ trích "chiến dịch tuyên truyền của" Washington nhằm đổ hết lỗi cho Moskva về sự sụp đổ của INF. Hiệp ước này được các nhà lãnh đạo hai nước ký kết năm 1987, theo đó cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km.
Hiện Nga và Mỹ đang trong quá trình đàm phán để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021.
Liên quan đến những tuyên bố mới đây của ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden tranh cử Tổng thống Mỹ, Điện Kremlin khẳng định Nga không phải là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ như lời nhận định của ông Biden. Điện Kremlin cho rằng những nhận định của ông Biden kích động sự thù hận nhằm vào Moskva.