Hội nghị cấp ngoại trưởng NATO bàn về 'tương lai mờ mịt của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung'

Ngày 4/4, tại thủ đô Washington của Mỹ, Hội nghị cấp ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhân dịp 70 năm thành lập khối liên minh này đã kết thúc sau hai ngày làm việc với nội dung tập trung thảo luận về Nga và cuộc chiến chống khủng bố.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong buổi họp báo sau hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong các phiên họp ngày 4/4, ngoại trưởng các nước thuộc liên minh quân sự này đã nhất trí về một loạt biện pháp nhằm đối phó với Nga ở khu vực Biển Đen, trong đó có việc tăng cường hỗ trợ cho Gruzia và Ukraine. Theo tuyên bố của NATO, những sự hỗ trợ này có thể bao gồm cả việc huấn luyện các lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển, các chuyến thăm cảng, các cuộc diễn tập và chia sẻ thông tin. 

Ông Stoltenberg cho biết NATO đã một lần nữa đề nghị Nga phóng thích các thủy thủ và 3 tàu chiến của Ukraine mà Moskva bắt giữ ở khu vực gần Eo biển Kerch, nối giữa Biển Đen và biển Azov hồi năm ngoái. Theo lập luận khi đó của Moskva, các thủy thủ và tàu chiến của Ukraine đã xâm phạm biên giới trên biển của Nga và đây được xem là một hành động khiêu khích của chính phủ nước này. Trong khi đó, Kiev phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng Moskva đã vi phạm luật pháp quốc tế khi bắt giữ thủy thủ và thu giữ tàu của Ukraine.     

Tương lai mờ mịt của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - thỏa thuận tên lửa lịch sử mà Washington và Moskva ký cách đây nhiều thập kỷ - cũng là một chủ đề chính tại hội nghị này. Ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Thời gian đang hết. Do đó, NATO đang chuẩn bị cho một thế giới không có hiệp ước INF". 

Hiện cả Mỹ và Nga đều cùng tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF được ký kết từ năm 1987.

Tại hội nghị, các bộ trưởng NATO cũng đã thảo luận về vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó bao gồm các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Afghanistan và cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định NATO sẽ tiếp tục hợp tác với các chính phủ và hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh tại các quốc gia này.

Thanh Phương (TTXVN)
Sau tuổi 70, NATO sẽ phải làm gì trong 10 năm tới?
Sau tuổi 70, NATO sẽ phải làm gì trong 10 năm tới?

NATO vừa tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Các chuyên gia đã dự báo về tương lai NATO trong 10 năm tới và những điều khối này cần phải làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN