Phát biểu với báo giới, ông Ryabkov nêu rõ Washington đã xác nhận ý định trên, đồng thời giải thích với Nga rằng đây là quyết định cuối cùng chứ không phải là một lời mời đối thoại. Thứ trưởng Ngoại giao Nga tái khẳng định nước này không vi phạm hiệp ước và nhấn mạnh cáo buộc của Washington về việc Moskva vi phạm là không thỏa đáng.
Ông tuyên bố Moskva sẵn sàng minh bạch trong vấn đề INF và kêu gọi phía Mỹ hành động tương tự. Theo nhà ngoại giao cấp cao này của Nga, INF cần được duy trì và số phận thỏa thuận này hiện tùy thuộc vào Mỹ. Ông cũng khẳng định sau ngày 2/2, Nga sẽ vẫn coi INF như thỏa thuận mà Nga và Mỹ đều có nghĩa vụ bắt buộc thực hiện.
Liên quan đến tầm bắn của tên lửa gây tranh cãi Novator 9M729 khiến Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, Tư lệnh lực lượng tên lửa và pháo binh Nga, Tướng Mikhail Matveyevsky, khẳng định tầm bắn của hệ thống tên lửa này nằm trong quy định của hiệp ước INF, với tầm bắn tối đa là 480 km.
Hiệp ước INF chỉ cấm tên lửa có tầm bắn từ 500 km trở lên. Theo Tướng Matveyevsky, tầm bắn của tên lửa này đã được xác nhận trong các cuộc diễn tập chiến lược hồi năm 2017.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF. Đến ngày 4/12/2018, Mỹ đã đặt thời hạn cho Nga trong vòng 60 ngày phải hủy bỏ các loại tên lửa mà nước này cho là vi phạm INF hoặc Washington sẽ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác với Washington để bảo vệ INF, sau khi các cuộc đàm phán song phương tại Gevena (Thụy Sĩ) trong tháng này nhằm khơi thông bế tắc không thu được bất kỳ kết quả nào.