Theo kênh NBC, 2 phi công từ Ukraine đã đến Mỹ. Các nguồn tin giấu tên cho hay chính quyền Mỹ có kế hoạch đưa khoảng 10 phi công Ukraine đến nước này trong tháng 3.
Tuy nhiên, các quan chức lưu ý những phi công này sẽ huấn luyện trên các thiết bị mô phỏng và không có kế hoạch để họ lái máy bay thực tế.
Chương trình huấn luyện có hai mục tiêu: nâng cao kỹ năng của người Ukraine và đánh giá thời gian cần thiết để huấn luyện họ vận hành hiệu quả F-16 cũng như các máy bay chiến đấu khác do phương Tây sản xuất.
“Chương trình nhằm đánh giá khả năng của họ với tư cách là phi công để chúng tôi có thể tư vấn tốt hơn về cách sử dụng các máy bay chiến đấu”, một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden giải thích.
Đài NBC chỉ ra đây là lần đầu tiên các phi công Ukraine, những người đã được huấn luyện lái máy bay do Liên Xô thiết kế, tham gia một chương trình đào tạo lái máy bay ở Mỹ.
Các quan chức nhấn mạnh diễn biến này không thể hiện lập trường của Washington về việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Kiev thay đổi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nay vẫn loại trừ khả năng chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine khi được hỏi về khả năng trang bị máy bay này cho Kiev vào tuần trước. “Theo quân đội của chúng tôi, hiện tại, không có cơ sở nào để cung cấp F-16”, Tổng thống Biden nói với đài ABC.
Kiev đã tăng cường kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp máy bay chiến đấu - đặc biệt là máy bay F-16 - trong những tháng gần đây sau khi nhận được cam kết từ các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh cung cấp hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, M1 Abrams và Challenger 2.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc thảo luận về việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev một lần nữa nhấn mạnh sự can dự ngày càng tăng của các nước phương Tây vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông nhắc lại lập trường của Moskva rằng những hành động như vậy chỉ làm leo thang và kéo dài giao tranh, dẫn đến đổ máu nhiều hơn trong khi không thay đổi được kết quả cuối cùng của hoạt động quân sự của Nga.