Tham dự cuộc đối thoại trên còn có đại sứ các nước thành viên NATO, cũng như các đối tác Australia, Phần Lan và Thụy Điển. Chủ đề chính của cuộc thảo luận tập trung vào hợp tác NATO-Iraq và nhiệm vụ cố vấn, đào tạo của NATO tại Iraq.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại chính trị-quân sự giữa các quan chức NATO và Iraq, trong đó có sự liên lạc thường xuyên của Tổng Thư ký NATO với Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi và Ngoại trưởng Hussein. Ông Jens Stoltenberg cũng nhắc lại việc NATO hiện diện tại quốc gia Trung Đông này là theo yêu cầu của Chính phủ Iraq, nhằm củng cố các thể chế và lực lượng an ninh của nước này để có thể tự ổn định đất nước, chống khủng bố và ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo và nâng cao năng lực với sự tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, dựa trên sự đồng ý hoàn toàn của Chính phủ Iraq và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác như Liên minh toàn cầu chống IS, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ).
Cũng trong ngày 11/3, tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã có cuộc thảo luận cùng Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovi về tình hình an ninh khu vực Tây Balkan.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng Thư ký NATO đã cảm ơn những đóng góp của Croatia đối với các hoạt động, sứ mệnh và việc triển khai của NATO ở Kosovo, Iraq, khu vực biển Baltic, cũng như cho sáng kiến sẵn sàng của NATO và lực lượng hải quân thường trực của NATO.
Tổng Thư ký NATO và Thủ tướng Croatia cũng đã tập trung thảo luận về những thách thức an ninh hiện nay trong khu vực. Nhân dịp này, ông Stoltenberg tái khẳng định cam kết của NATO đối với an ninh và ổn định ở Tây Balkan, trong đó có việc thông qua chính sách mở rộng liên minh và hỗ trợ cải cách quốc phòng.